Gắn bó với nghề y gần 40 năm, PGS-TS Bạch Khánh Hòa (SN 1955), nguyên trưởng Khoa Xét nghiệm sàng lọc - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chưa bao giờ muốn guồng quay công việc dừng lại. Nhà khoa học này chia sẻ rằng nụ cười của bệnh nhân chính là động lực để công việc và cuộc sống của bà có ý nghĩa hơn.
Không đầu hàng thất bại
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội, năm 1978, PGS-TS Bạch Khánh Hòa bắt đầu công việc tại Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương). “Lúc đó, việc ghép tế bào gốc là con số 0. Bố tôi (cố GS-BS Bạch Quốc Tuyên, nguyên viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) gợi ý phải có vấn đề gì đó từ tủy xương dẫn đến bệnh. Thế là chúng tôi nghiên cứu tủy. Khi ấy, các kit thương mại chưa có, chúng tôi tạo ra môi trường, điều kiện để nuôi tế bào tủy xương, hy vọng tìm được cách gì đó kích thích mọc tế bào tủy xương” - PGS Hòa kể lại.
PGS Bạch Khánh Hòa là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về HLA (kháng nguyên bạch cầu người) có giá trị trong lĩnh vực ghép tạng cũng như triển khai các kỹ thuật mới trong sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu để có máu sạch phục vụ điều trị… Thành công nhiều nhưng cũng không ít lần PGS Hòa thất bại. “Nhiều khi buồn, nản nhưng rồi tôi nghĩ đó chính là những thử thách mà mình phải vượt qua... Chứng kiến cảnh bệnh nhân chết dần, bản thân lại không giúp được gì khiến tôi đau xót, day dứt; lúc nào cũng cảm thấy như mình còn mắc nợ nên không cho phép mình mệt mỏi, gục ngã. Tôi chỉ có thể tự nhủ phải làm, làm nữa để cứu họ”.
Thắp lửa đam mê khoa học
Dù khá cởi mở khi nói về công việc nhưng với cuộc sống riêng, PGS Hòa khá kiệm lời, bởi như bà tâm sự: “Tôi có một cuộc đời không vui!”. Bà ngại kể về những mất mát của mình, đặc biệt khi người con trai bị tai nạn. Khi được hỏi làm nghiên cứu một mình có cô đơn không, PGS Hòa cười nói: “Đã nghiên cứu thì đương nhiên phải có tập thể. Còn hỏi dưới góc độ đời sống cá nhân thì không vì gia đình lớn của tôi rất đông đúc. Chúng tôi luôn trao đổi, nói chuyện với nhau, tôi luôn làm cho mình không có cảm giác đơn độc”. Nhà khoa học chia sẻ thêm rằng các học trò, nhân viên của bà rất tình cảm. Sáng nào bà đi làm muộn một chút, thế nào cũng có người gọi điện thoại hỏi sao bà chưa đến. “Sống trong tình cảm như thế, tôi ổn. Tôi không cô đơn” - PGS Hòa nói.
Dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng hằng ngày bà vẫn có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hỏi bà liệu đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, bà bảo: “Trong nghiên cứu khoa học, già giúp trẻ, trẻ cập nhật thông tin; già cân nhắc kỹ lưỡng, trẻ tiến lên như vũ bão. Trẻ rất mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm nhưng chưa chắc đã thành công. Điều quan trọng là biết việc thế nào để trung hòa, đi đến thành công bằng con đường ngắn nhất”. Vì vậy, bà luôn có mặt cùng các đồng nghiệp nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật mới. Ngoài ra, bà còn tham gia đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Y Hà Nội, đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới cho các bác sĩ tại một số bệnh viện trong nước.
Cha truyền, con nối Là con gái thứ hai của cố GS-BS Bạch Quốc Tuyên nhưng PGS-TS Bạch Khánh Hòa không chọn trường y mà lại thi vào Khoa Chế tạo máy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. “Vì tôi lười mà học khoa học tự nhiên lại nhanh và dễ, không phải học thuộc lòng” - PGS Hòa nói. Học Trường ĐH Bách khoa một thời gian, nghe theo lời khuyên của bố, bà chuyển sang học ngành y để nối tiếp truyền thống gia đình. PGS Hòa chia sẻ: “Bố tôi là nhà khoa học cũng là người thầy đầu tiên dẫn dắt tôi. Ngay từ bé, ông đã luôn trò chuyện về nghiên cứu khoa học và động viên tôi theo con đường này. Chính cách sống, cách làm việc, niềm đam mê với huyết học và truyền máu của bố đã ảnh hưởng lớn tới nhân cách và thành công trong sự nghiệp của tôi sau này. Ông luôn là tấm gương để cả đời tôi cố gắng noi theo”. |
Bình luận (0)