Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) cho biết trong vài năm gần đây, bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện thì có 1 bệnh nhân là người trẻ. Hiện mỗi ngày, tại bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ, trong đó, người trẻ mắc bệnh chiếm từ 20%-25%.
Tỉ lệ tử vong cao
Người thân nữ bệnh nhân N.H.T (42 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết chị T. nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, hôn mê, liệt nửa người. Theo kể lại, chị T. đột ngột chóng mặt, đi lại khó khăn, sau đó gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu. Tại bệnh viện, qua thăm khám, chị T. được chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não. Người nhà cho hay trước đó chị T. không hề có biểu hiện gì. Khi phát hiện những dấu hiệu trên thì bệnh trở nặng.
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại bệnh viện
Theo bác sĩ Khoa, tại bệnh viện trường hợp như trên rất phổ biến. Bệnh nhân thường không kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như không nghĩ rằng mình đột quỵ vì còn trẻ. Do đó, khi phát bệnh thường trở nặng. Nếu được phát hiện những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng đột quỵ.
Như người bệnh trên dù đã được cứu sống, tuy nhiên, do tình trạng nặng, bệnh nhân không thể đi lại vì liệt nửa người. Việc tập vật lý trị liệu cũng không đạt kết quả tốt bởi não đã tổn thương nặng ban đầu khiến di chứng tàn phá nặng nề.
TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, cho biết tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày, TP HCM có khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ, số người trẻ mắc bệnh tăng nhanh.
Theo bác sĩ Cường, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trong tất cả bệnh. Qua thống kê, trung bình hằng năm, tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị cho hơn 25.000 bệnh nhân. Như vậy, mỗi ngày phải cấp cứu 20-30 bệnh nhân đột quỵ, trong đó số bệnh nhân đột quỵ trẻ dưới 40 tuổi đã chiếm 5% trong số bệnh nhân đột quỵ.
Bác sĩ Tạ Vương Khoa cho biết đột quỵ trong những năm gần đây đã vượt ung thư để trở thành nguyên nhân tử vong đứng thứ hai, chỉ sau nhồi máu cơ tim.
Từ trụ cột thành phế nhân
Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và khoảng 20% trong số đó tử vong. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ đột quỵ đang có xu hướng gia tăng khi xuất hiện ở độ tuổi dưới 45-50.
"Những đối tượng trong độ tuổi trên thường là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, khi đột quỵ xảy ra, đã tước đi của gia đình và xã hội một nguồn lực vô giá. Đặc biệt, bản thân bệnh nhân phải đối mặt với một tương lai bất định mang trong mình bệnh tật, dễ phát sinh tâm lý bi quan chán nản. Thậm chí trầm cảm vì chỉ vừa mới đây thôi còn là một trụ cột, giờ đã thành phế nhân" - bác sĩ Khoa tâm tư.
Lý giải về nguyên nhân gây ra căn bệnh trên, bác sĩ Khoa cho biết nguyên nhân của nhồi máu não người trẻ đa dạng và khó chẩn đoán hơn so với ở người lớn tuổi. Đối với người lớn tuổi thường dễ chẩn đoán với 3 nhóm yếu tố nguy cơ như tim mạch; bệnh lý mạch máu lớn (hẹp vữa xơ các động mạch lớn ngoài sọ, trong sọ); bệnh lý mạch máu nhỏ (nhồi máu não lỗ khuyết); bệnh tim tạo huyết khối (gồm rất nhiều bệnh lý như van tim cơ học, rung nhĩ, hội chứng suy nút xoang, bệnh cơ tim thể giãn...). 3 nhóm nguyên nhân trên chiếm đến trên 80% thì ở người trẻ, tỉ lệ này chỉ là 50%. Điều này đồng nghĩa có đến 50% còn lại là nhóm nguyên nhân bao gồm các bệnh lý ít gặp như bệnh lý mạch máu não không do vữa xơ, rối loạn tăng đông máu do thiếu hụt protein di truyền, bệnh hồng cầu hình liềm... hoặc không chẩn đoán được.
Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân thường gặp nhất của xuất huyết não người trẻ vẫn là tăng huyết áp, tương tự ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, khác với tăng huyết áp ở người lớn tuổi hầu hết là vô căn, không cần tìm nguyên nhân thì ở người trẻ bị tăng huyết áp cần tầm soát một số nguyên nhân như hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, viêm mạch hệ thống... Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân hay gặp khác là vỡ dị dạng mạch máu não, rối loạn đông máu, nghiện ma túy...
"Các yếu tố nguy cơ tim mạch kinh điển gắn liền với tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi cũng đồng thời hiện diện ở người trẻ, chỉ khác nhau về tỉ lệ hiện diện. Nếu như tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường là 3 yếu tố nguy cơ hàng đầu ở người lớn tuổi thì ở người trẻ đó là nghiện hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp" - bác sĩ Khoa lưu ý.
Bác sĩ Khoa cũng cho biết ngoài những yếu tố trên, một phần lý do quan trọng đến từ áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học khiến người trẻ gia tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...
Tầm soát sức khỏe sẽ giảm 50% nguy cơ
Theo bác sĩ Khoa, thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, chỉ đến khi bị đột quỵ nhập viện mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... trong một thời gian dài trước đó. Nếu tầm soát sức khỏe định kỳ hằng năm sẽ giúp giảm 50% nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Bình luận (0)