xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Việt vẫn thấp còi

Bài và ảnh: KHÁNH ANH

Chiều cao trung bình của người Việt thêm được 4 cm sau 35 năm. Tuy nhiên, so với chuẩn quốc tế, nam thanh niên Việt vẫn thiếu 13,1 cm và nữ thanh niên thiếu 10,7 cm

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, GS-TS Lê Thị Hợp, cho biết trung bình cứ 10 trẻ thì có 3 trẻ không đạt chuẩn về chiều cao so với độ tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, nghĩa là có gần 2,5 triệu trẻ bị thấp còi.

Nhận định lệch lạc

Hệ quả của việc suy dinh dưỡng thấp còi sẽ là một lớp thanh niên thấp lùn và bé nhỏ. Theo các điều tra về chiều cao và thể trạng gần đây, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ là 153 cm, tăng trung bình 4 cm sau 35 năm. Nghĩa là khoảng 10 năm, người Việt Nam mới tăng 1 cm chiều cao, trong khi đó, Thái Lan và Trung Quốc đã tăng được 2 cm. Với chiều cao hiện tại, nam thanh niên Việt Nam vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1 cm và nữ thấp hơn 10,7 cm.

GS Hợp cho rằng lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng cao lớn là do gien di truyền. Thế nhưng, thực tế các cuộc nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền chỉ chiếm 20% trong việc phát triển tầm vóc của trẻ, còn lại dinh dưỡng chiếm 32%, vận động chiếm 20% và các yếu tố khác.

img
Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân khiến trẻ thấp còi.
Trong ảnh: Khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Trung tâm khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia

Theo bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, suy dinh dưỡng thấp còi hay chiều cao quá thấp so với tuổi là chỉ số biểu thị tình trạng dinh dưỡng kém trong thời kỳ bà mẹ mang thai và 2 năm đầu đời. “Thấp còi sẽ gây ra những hậu quả không khắc phục được đối với sự phát triển của trẻ. Những trẻ bị thấp còi nặng, chiều cao khi 3 tuổi là 81 cm, khi đến 18 tuổi là 158 cm; trong khi đó, trẻ phát triển bình thường thì chiều cao khi 3 tuổi là 94 cm, khi 18 tuổi sẽ đạt 171 cm” - bà Lotta Sylwander cảnh báo. 

“Đói” vi chất dinh dưỡng

Kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố hồi tháng 3 vừa qua cũng chỉ ra rằng mặc dù bữa ăn của người Việt đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn tới 50% trẻ em Việt Nam đang bị thiếu các vitamin A, B1, C, D và sắt - những vi chất quan trọng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Trước đó, một nghiên cứu khác cũng đưa ra những con số đáng lo ngại về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ.
img
Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân khiến trẻ thấp còi.
Trong ảnh: Khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Trung tâm Khám dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia Ảnh: KHÁNH ANH
 
Trong nhóm trẻ từ 6-12 tháng tuổi, có đến 18% thiếu máu, 20,8% thiếu vitamin A và 13,2% thiếu kẽm. Trẻ từ 13-24 tháng tuổi, có đến 58% thiếu máu, 41,7% thiếu vitamin A, 45,3% thiếu kẽm. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng ở trẻ dưới 5 tuổi dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong, giảm tăng trưởng ở trẻ em, mù lòa. Thiếu sắt gây thiếu máu, giảm khả năng học tập, tăng bệnh tật. Thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, kém phát triển trí tuệ.

PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết “đói” vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân khiến trẻ chậm lớn, thấp còi. “Nhìn một đứa trẻ nhỏ người, trán dô, xương sườn nhô ra nhưng vẫn hoạt động nhanh nhẹn thì ông bà, bố mẹ của cháu thường nói “cháu nhỏ người nhưng nhanh lắm”. Khi ai đó nói rằng cháu bé này bị suy dinh dưỡng có thể làm người thân của cháu bực tức. Tuy nhiên, thực tế, cháu bé đó đang bị thiếu vitamin D và lâu dài, sự phát triển hệ xương của cháu bé cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến cháu bị suy dinh dưỡng thể thấp còi” - TS Mai cho biết.

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng gần 1/3 trẻ thấp còi là do được nuôi sai cách. Một số chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo nhiều bà mẹ cho rằng sữa công thức có thể đem lại những điều kỳ diệu cho sự phát triển của con mình nên đã không cho con bú hoặc cho bú ít hơn  nhưng lại ra sức “tẩm bổ” cho con bằng các sản phẩm được quảng cáo là “cao hơn”, “thông minh hơn”. Trong khi đó, sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng hơn, thậm chí có những chất mà không thể có ở bất kỳ sản phẩm dinh dưỡng nào. GS-TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho rằng đây cũng chính là nguyên nhân khiến Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới.

Trẻ thấp còi dễ bị bệnh tật

Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo với gần 30% trẻ em Việt Nam thấp hơn so với tuổi, điều này làm gia tăng nguy cơ trẻ bị thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao... khi trưởng thành. Nguyên nhân là do tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính, thiếu ăn kéo dài nên cơ thể thích nghi bằng cách tiết kiệm sử dụng năng lượng, chất dinh dưỡng. Đến khi chế độ ăn dư thừa, cơ chế hoạt động chuyển hóa năng lượng vẫn như ở chế độ cũ nên dẫn đến thừa cân, béo phì và bệnh tật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo