Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 29-5.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố đang điều trị 75 bệnh nhân dương tính mới (52 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 15 bệnh nhân tại bệnh viện Covid-19 Cần Giờ, 7 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm (28-5) với hơn 50.000 người dân tại quận Gò Vấp vì liên quan chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. (Ảnh: NGUYỄN THUẬN)
Về các ổ dịch mới phát hiện tại TP HCM, hiện TP có 4 chuỗi lây nhiễm.
Cụ thể:
Chuỗi ca bệnh trong công ty tại quận 3 phát hiện ngày 18-5 gồm 2 trường hợp BN4514, BN4583 là đồng nghiệp làm việc trong 1 văn phòng, nơi cư trú ở quận 7 và TP Thủ Đức. Liên quan chuỗi này TP đã lấy 10.868 mẫu xét nghiệm, đến nay không phát hiện thêm người mắc bệnh từ ổ dịch này. Kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
Chuỗi ca bệnh tại quán bánh canh ở quận 3 phát hiện ngày 21-5 gồm 5 trường hợp (bệnh nhân 4780 - 4782, 5329 và 5463). Tổng cộng thực hiện 2.391 mẫu xét nghiệm. Chuỗi ca bệnh này nhiễm biến chủng Anh.
Chuỗi ca bệnh tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp phát hiện từ ngày 26-5. Tính đến 15giờ ngày 28-5, ghi nhận 64 trường hợp dương tính với Covid-19 từ ổ dịch này.
Có tổng cộng 16/22 địa phương có liên quan đến các ca bệnh gồm: TP. Thủ Đức (quận Thủ Đức, quận 2 cũ), Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12. Tổng số F1: 958 người, 671 mẫu âm tính, 287 chờ kết quả. - Tổng số F2: 37.921 người, 11.483 mẫu âm tính, 26.438 chờ kết quả.
Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Án Độ, B.1.617.2.
Như vậy TP HCM đã ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chúng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh) ở các ca bệnh trong cộng đồng
Chuỗi lây nhiễm phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ gồm bệnh nhân 6444, 6445 là 2 vợ chồng. Sau đó vào ngày 28-5 tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp dương tính là con trai của 2 người (BN 6446) và 1 đồng nghiệp của người vợ (BN 6447). Tổng số tiếp xúc gần (F1): 14 người. Tổng số tiếp xúc khác: 1.043 người. Đã tổ chức cách ly, đều đã được lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm.
Thành phố đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm trên thế giới là biến chủng Anh B1.1.7 và biến chủng An Độ B.1.617.2. Đặc biệt ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo.
Ca bệnh đã xuất hiện tại hơn 50% số quận huyện của thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt. Thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận (ví dụ bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton; một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Concentrix thuộc công viên phần mềm Quang Trung).
Về nơi lây nhiễm, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè. Như vậy ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của 1 tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.
Thực tế đã ghi nhận: BN6296 đã lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và 1 người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ. Hoặc BN6291 đã lây bệnh cho 4 bệnh nhân khác cùng làm công ty Concentrix tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP HCM.
Về biểu hiện bệnh, cả 4 ổ dịch mới đây đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, ổ dịch liên quan đến ca phát hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong thành phố mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.
Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp thành phố cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đông dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.
Về các hoạt động chống dịch, thành phố khẩn trương truy vết thần tốc, điều tra đối với ổ dịch, tổ chức khoanh vùng phong tỏa phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, mở rộng xét nghiệm tìm kiếm nguồn lây nhiễm xung quanh khu vực phong tỏa, xét nghiệm cho thành viên tổ bầu cử, người dân tại các điểm bầu cử liên quan đến trường hợp bệnh.
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng hiện nay, nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cao. Do đó, TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố.
Đồng thời, lập danh sách các đơn vị, cơ sở sản xuất, lao động, phân loại cụ thể các đơn vị có hoạt động sản xuất trong môi trường khép kín, sử dụng máy lạnh để giám sát nguy cơ dịch bệnh; yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất quản lý chặt chẽ thông tin người lao động đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các đơn vị chức năng khi có yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, tổ chức ký cam kết giữa các doanh nghiệp sản xuất với Ban Quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp và chính quyền địa phương sở tại.
Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị, trong tình hình liên tiếp phát hiện nhiều chùm ca bệnh từ cộng đồng, đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập. Hiện TP HCM có hơn 7 triệu người trên 18 tuổi, trong đó, có hơn 1,2 triệu người nằm trong nhóm đối tượng được ngân sách hỗ trợ.
Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do thành phố bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ,... cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả là khoảng 6 triệu người.
Với giá vắc xin như Bộ Y tế cho biết là 120.000 đồng/liều (vắc xin của AstraZeneca) hoặc 170.000 đồng/liệu (vắc xin của Pfizer) thì thành phố cần kinh phí từ 1.440 đến 2.040 tỷ đồng (6 triệu người, mỗi người tiêm 2 liều sẽ là 12 triệu liều).
Kinh phí mua vắc xin lấy từ nguồn kinh phí phòng chống dịch hằng năm và huy động xã hội hóa từ các tổ chức cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM. Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vắc xin này.
Bình luận (0)