Bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II Huỳnh Kiến Thành, Phó trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Xuyên Á, khuyến cáo những người mắc bệnh lý nền như: suy thận, tim mạch, tiểu đường, ung thư... không nên chủ quan việc thăm khám. Bởi lẽ, bệnh lý nền là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh gặp biến chứng nặng và nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19.
Mất đi "cơ hội vàng"
Phát hiện khối u vú phải cách đây 3 tháng nhưng thay vì đến bệnh viện thăm khám và điều trị, nữ bệnh nhân T.L (56 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP HCM) sợ nhiễm SARS-CoV-2 nên quyết định ở nhà, chờ hết dịch mới đi khám.
Đến khi đau đớn không chịu nổi, L. mới quyết định đến Bệnh viện Xuyên Á (TP HCM) thăm khám. Lúc này, khối u ngực trái của L. đã lở loét, chảy dịch, có mùi hôi. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS xác định L. mắc ung thư vú trái. Sau khi cân nhắc, đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các BS đã lên phác đồ điều trị, hóa trị hỗ trợ. Sau điều trị truyền hóa chất đợt 1, khối u đã không còn chảy dịch.
Bệnh nhân đến Bệnh viện quận 7 (TP HCM) thăm khám bệnh thông thường sau giãn cách
BSCKII Huỳnh Kiến Thành cho hay gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều bệnh nhân lo ngại khi đến bệnh viện. Việc không đến bệnh viện thăm khám kịp thời có thể làm mất đi "cơ hội vàng" trong điều trị, cụ thể như trường hợp của bệnh nhân L. là hết sức nguy hiểm, vì đối với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh hoàn toàn có cơ hội điều trị khỏi bệnh.
"Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mãn kinh phát hiện có khối u, cục trong vú, tiết dịch núm vú hoặc thấy vú của mình có bất thường thì nên đến những bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để thăm khám và kiểm tra nhằm phát hiện sớm những bệnh lý và có phương pháp điều trị đúng, kịp thời. Nhất là những trường hợp gia đình có người thân đã mắc bệnh ung thư vú"- BSCKII Huỳnh Kiến Thành khuyên.
Cứu sống F0 trong gang tấc
Bệnh nhân nam M.N (28 tuổi, huyện Củ Chi) bị sốt dai dẳng, mệt nhiều, phù toàn thân kéo dài gần hai tháng cũng chỉ ở nhà uống thuốc giảm đau. Đến khi khó thở tăng, phải ngồi thở M.N mới chịu đến bệnh viện.
Lúc đưa đến Bệnh viện Xuyên Á, bệnh nhân N. được chẩn đoán mắc Covid-19 kèm theo đó là tình trạng tràn dịch màng ngoài tim. Kết quả siêu âm tim ghi nhận tim đang bị chèn ép bởi lượng dịch lớn, có dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi hai bên. Ngay sau khi có kết quả hội chẩn, các BS nhanh chóng thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng ngoài tim. M.N. đã được phẫu thuật thành công thoát khỏi cơn nguy kịch và được chuyển sang khu hồi sức Covid-19 tiếp tục điều trị.
BS Trần Trung Thành, Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân đến khám khi bệnh đã trở nặng, lý do ngại dịch Covid-19 nên không dám đến bệnh viện. Hiện nay, tình trạng này đã giảm nhưng những ngày qua vẫn có vài trường hợp bị đột quỵ nhưng đến bệnh viện khá muộn, gây khó khăn trong việc điều trị.
BS Thành tư vấn: Khoảng thời gian 4 giờ rưỡi sau khi bị đột quỵ được xem là "giờ vàng" trong cấp cứu người đột quỵ. Có nhiều bệnh nhân do không hiểu biết hoặc sợ lây nhiễm Covid nên đến bệnh viện muộn, sự chậm trễ này có thể để lại hậu quả như bị yếu, liệt nửa người, thậm chí có nguy cơ tử vong.
"Hiện nay các bệnh viện đều thực hiện tốt việc phòng tránh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu người bệnh tuân thủ đúng những quy định của bệnh viện thì khả năng lây nhiễm rất ít xảy ra" - bác sĩ Thành nói.
Bình luận (0)