Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết hiện Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Kèm theo là xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng của người dân chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …) và thiếu hoạt động thể lực.
Suy sinh dưỡng thấp còi có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn
Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao, theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020 là 19,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn.
Trong khi đó, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 đến 19 tuổi) tăng từ 8,5% (năm 2010) lên thành 19,0% (năm 2020).
Tiến sĩ Trần Khánh Vân, Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết 9,5% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng (chưa có biểu hiện bệnh); 58% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm... Trong cơ thể, kẽm là vi chất giúp phân chia tế bào, cơ thể tăng trưởng. Cơ thể thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng.
"Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, hạn chế chiều cao, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ; giảm khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành"- tiến sĩ Vân nhấn mạnh.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành, và người cao tuổi, đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Bình luận (0)