Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết các nhà thuốc tư nhân tham gia trên tinh thần tự nguyện, sẽ là cánh tay nối dài của trạm y tế. Các đơn vị này nhận túi thuốc A, B, C để cấp phát cho F0.
Kịp thời hỗ trợ F0
Nhớ lại khoảng thời gian cách đây 3 tháng, chị H.T.K.N (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) không khỏi ám ảnh. Chị N. cho biết cả gia đình 7 người đều lần lượt mắc Covid-19, trong đó có 1 mẹ già 75 tuổi và 2 em bé (6 tháng và 2 tuổi).
"Thời điểm đó, cả nhà đều lo lắng bởi hầu hết mọi người đều có triệu chứng sốt, ho, mất vị giác, mệt mỏi... nhưng vì TP đang thực hiện giãn cách, việc tiếp cận với nhân viên y tế cũng khó khăn. Do đó, tôi đã liên hệ với nhà thuốc tây gần nhà để nhờ tư vấn. Sau vài giờ, tôi được giao các loại thuốc cần có như thuốc ho, hạ sốt, các loại vitamin, kháng đông, kháng viêm… và sau 10 ngày cả nhà tôi đều âm tính. Nếu không có nhà thuốc hỗ trợ kịp thời, không biết gia đình tôi sẽ thế nào" - chị N. kể lại.
Chị H.T.K.N (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) thường mua thuốc ở nhà thuốc tư nhân gần nhà. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời từ nhà thuốc này mà gia đình chị N. đã vượt qua Covid-19
Dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP HCM, cho biết thời gian qua, chi hội đã huy động các nhà thuốc tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đóng góp thuốc chống dịch. Ngoài ra, còn có hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến trên ứng dụng điện thoại nhằm quản lý, chăm sóc bệnh nhân, kịp thời nắm bắt tình trạng sức khỏe của người bệnh.
"Với hệ thống này, bệnh nhân cũng có thể hằng ngày thông báo tình trạng bệnh của mình để được tư vấn sử dụng thuốc đúng cách. Qua 4 tháng triển khai, chi hội đã tư vấn cho khoảng 200 F0 điều trị tại nhà nên có nhiều kinh nghiệm giúp F0 không chuyển nặng và chia sẻ cho các nhà thuốc trên cả nước. Song song đó, chúng tôi cũng kết hợp với trạm y tế, trạm y tế lưu động, nhà thuốc và người bệnh, nếu phát hiện F0, chúng tôi sẽ chuyển vào nhóm để người bệnh được tư vấn trong việc sử dụng thuốc đúng cách" - ông Dương thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trong số hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân, phân bố khắp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, có nhiều nhà thuốc ở khu vực đông dân cư nên thật sự hữu ích trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các F0 sẽ kịp thời được hỗ trợ, nhận được thuốc nhanh thông qua các nhà thuốc này.
Cần quy trình cho gói thuốc C
Theo các chuyên gia, việc huy động nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP tham gia chăm sóc F0 là rất tốt. Mô hình này trên thế giới đã áp dụng từ lâu, hiện nay một số nước như Anh, Pháp, Mỹ, Canada... đã đào tạo dược sĩ có thể điều trị một số bệnh lý thông thường. Vì vậy, mô hình nhà thuốc tư nhân cũng "vào cuộc" cùng F0 là cách làm hợp lý. Thực tế cho thấy trong thời gian qua do quá tải nên nhiều F0 đã không được chăm sóc đầy đủ. Khi nhà thuốc kết hợp cùng y tế phường chăm sóc F0 tại nhà sẽ giảm tải áp lực cho nhân viên y tế.
Tuy vậy, ông Huỳnh Ngọc Dương cho rằng cần có thêm cơ chế phù hợp cho các nhà thuốc tư nhân khi tham gia chăm sóc F0, cụ thể là việc phát gói thuốc C - có thuốc Molnupiravir (thuốc kháng virus). Đây là thuốc khi sử dụng phải có chỉ định chặt chẽ về độ tuổi, tình trạng của bệnh nhân, do đó cần bác sĩ có chuyên môn kê toa.
Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho hay để việc phát gói thuốc C được hiệu quả, không phát sinh tiêu cực cần phải có quy trình rõ ràng về đường đi của thuốc Molnupiravir. Hiện nay quy trình này còn nhiều bất cập.
"Bệnh nhân luôn mong gặp nhân viên y tế để được thăm khám. Theo quy trình thông thường, người bệnh có thể đến trạm y tế phường để được bác sĩ khám bệnh. Sau đó, bác sĩ kê toa và họ đến nhà thuốc để lấy thuốc nhưng hiện nay F0 phải cách ly, không được ra khỏi nhà, vậy làm sao để họ nhận thuốc. Nếu giao cho nhà thuốc thì bệnh nhân cũng phải đến nhà thuốc nhưng họ không được phép ra ngoài. Trường hợp nhờ người khác lấy thì làm sao để chứng minh được và không xảy ra tình trạng lạm dụng nhận thuốc bừa bãi" - PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc phân tích.
PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc cho rằng chúng ta phải xem đây là bệnh đặc thù và người dân thực hiện nghiêm 5K cùng quy trình "2 cung đường, 1 điểm đến" khi tới y tế phường để thăm khám. Tại trạm y tế, bác sĩ có thể hẹn giờ thăm khám cho người bệnh, tránh tình trạng quá tải cục bộ. "Lúc này, nếu bác sĩ kê toa làm sai hoặc nhà thuốc phát không đúng người thì khi ngành y tế kiểm soát, thanh tra phát hiện sai phạm, người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Làm nghiêm được điều này sẽ không xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi" - PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc đề xuất.
Bình luận (0)