icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhận biết, tránh mua nhầm vật liệu xây dựng kém chất lượng

Long Giang

Mặt hàng phức tạp đáng lo ngại nhất phải kể là sắt thép. Trên thị trường hiện nay có hàng chục loại thép xây dựng khác nhau. Có sản phẩm của các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty liên doanh nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân mà người ta quen gọi là thép tổ hợp.

Thép xây dựng “9 bỏ làm 10”

Tiêu chuẩn VN 6285:1997 quy định loại thép xây dựng đường kính 10 mm trọng lượng phải đạt 0,617 kg/m, đường kính 12 mm trọng lượng 0,888 kg/m, đường kính 16 mm trọng lượng 1,58 kg/m, đường kính 20 mm trọng lượng 2,47 kg/m... Dung sai cho phép đối với thép từ 10 - 20 mm là cộng trừ 5%. Tuy nhiên trên thực tế, thép tổ hợp không bao giờ đạt tiêu chuẩn này. Chẳng hạn trọng lượng đối với thép phi 10 (đường kính 10 mm) nếu sản xuất không có sai số sẽ đạt trọng lượng 7,2 kg/cây, sai số cho phép 5% là 6,85 kg/cây. Nếu là thép của tổ hợp trọng lượng chỉ khoảng 6,5 kg/cây. Một mánh khóe khác để qua mặt người tiêu dùng là làm giảm phi bằng cách cho ra khuôn dạng cây thép hình ô van, hơi dẹp, khi đo chiều rộng thì đủ còn bề hông lại thiếu. Chẳng hạn như phi 10 chỉ còn 9 hoặc 9,5. Hoặc gân thép được làm cao lên khi đo đường kính tính luôn gân thì đủ kích thước nhưng trọng lượng thiếu và cây thép sẽ yếu đi rất nhiều. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu - Công ty Xây dựng Kiến trúc Miền Nam, thép xây dựng không đủ kích cỡ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình vì trong xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt từng loại kết cấu theo thiết kế. Chẳng hạn đối với đà, cột... phải dùng thép có đường kính mấy li, bao nhiêu cây tùy theo quy mô công trình.

Theo ông Kiều Thanh Hải - phòng kinh doanh Công ty Thép Vina Kyoel, thép không đạt chất lượng thường do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo lại được sản xuất theo công nghệ lạc hậu và không loại bỏ được hết các tạp chất  nên sẽ không đạt về cường độ chịu lực, thép giòn, dễ gãy, trên cùng một thanh thép cũng không có chất lượng như nhau nên thường ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng công trình.

Tôn thiếu "dem" và lớp bảo vệ

Tôn lợp nhà hiện nay cũng có nhiều công ty sản xuất. Một số nhà sản xuất do chạy theo lợi nhuận đã bỏ bớt nhiều công đoạn trong sản xuất nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất. Ông Lê Việt - phụ trách kinh doanh Công ty Liên doanh Tôn Phương Nam - cho biết: Tôn mạ kẽm kém chất lượng thường không có lớp cromic nhằm bảo vệ bề mặt không bị ô-xy hóa. Tôn không có lớp trên sẽ dễ xuống màu sạm đen, rỉ sét sau vài ba tháng sử dụng. Loại tôn màu kém chất lượng cũng không có lớp sơn lót với công dụng là làm chất kết dính giữa lớp mạ kẽm và lớp sơn bên ngoài. Nếu không có lớp sơn lót này, khi gia công dập sóng sẽ dẫn đến tình trạng bong tróc lớp sơn bên ngoài.

Gỗ, gạch cũng bị ăn bớt

Theo tiêu chuẩn VN gạch ống chỉ có hai quy cách là 190 x 90 x 90 mm và 180 x 80 x 80 mm. Trong khi đó nhiều cơ sở sản xuất gạch ống cố tình làm sai quy cách bằng cách giảm kích thước xuống còn 170 x 70 x 70 mm, thậm chí còn xuống thấp hơn để bán giá rẻ. Ông Hoàng Quốc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Gạch ngói Đồng Nai - cho biết: Các lò gạch thủ công sử dụng nguyên liệu đất xấu, khâu nung cũng không có thiết bị kiểm tra kể cả thiết bị nghiền, nén không đạt tiêu chuẩn sẽ cho ra sản phẩm xấu. Gạch “dỏm” thường có độ xốp rất cao và thành viên gạch khá mỏng nhằm giảm chi phí giá thành dẫn đến chất lượng gạch không đạt, gạch có độ thấm nước cao, độ chịu lực kém. Sử dụng gạch thiếu kích cỡ không chỉ thiệt hại về tuổi thọ của công trình mà còn tốn nhiều công, hao hồ trong công đoạn thi công. Chẳng hạn như gạch đúng quy cách chỉ cần 50 viên gạch/m2, trong khi gạch thiếu kích cỡ phải hao tốn đến 85 viên và phải sử dụng nhiều đường hồ...

Gỗ xẻ, gỗ chế biến cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Gỗ xẻ làm đòn tay với quy cách 4 x 8 cm chỉ còn dưới 3 x 7 cm, từ 5 x 10 cm chỉ còn dưới 4 x 9 cm... Hiện trạng này khá phổ biến. Những người không rành, dễ bị mua nhầm gỗ sai quy cách trong thiết kế. Nhiều người trong nghề xây dựng cho biết, trước đây gỗ xẻ bán trên thị trường rất đúng quy cách, gặp trường hợp xấu lắm cũng chỉ xẻ gỗ theo kiểu “nát mực” còn hiện nay gỗ xẻ bị mất 1 - 2 cm là chuyện bình thường.

 Quy cách tôn mạ kẽm

Theo quy định đối với tôn mạ kẽm có độ dày 0.33 khổ 1,2 m có trọng lượng 3,071 kg/m tới, 0.38 x 1,2 trọng lượng 3,566 kg/m, 0.43 x 1,2 trọng lượng 4,033 kg/m. Đối với tôn màu 0.30 x 1,2 trọng lượng 2,646 kg/m, 0.35 x 1,2 trọng lượng 3,142 kg/m, 0.40 x 1,2 trọng lượng 3,637 kg/m, 0.45 x 1,2 trọng lượng 4,105 kg/m. Tôn thiếu dem thường thiếu trọng lượng từ 300 - 500 gr cho 1 m tới, tôn từ 5 dem trở lên thiếu khoảng 1 kg.

 Cách phân biệt hàng “dỏm”

. Thép chất lượng tốt thường có màu xanh của thép, thân thép đồng đều, bề mặt bóng không bị sần sùi. Thép kém chất lượng thường có ánh màu đỏ, thân thép không đồng đều, bề mặt sần sùi, không bóng. Thép tổ hợp độ dẻo không đạt chất lượng, giòn, dễ gãy.

. Gỗ thiếu kích cỡ khi xây dựng công trình không vững chắc, bị đong đưa, thậm chí có thể bị sập. Nếu chủ nhà am hiểu sẽ tránh được sự cố trên ngay từ đầu bằng cách điều chỉnh lại khoảng cách đặt gỗ dày hơn hoặc dùng gỗ có kích thước lớn hơn kích thước trong thiết kế.

. Đối với tôn mạ kẽm có chất lượng kém khi đưa ra ánh sáng không có ánh vàng. Do không có lớp cromic bảo vệ, bề mặt dễ bị ô-xy hóa làm tôn xuống màu sạm đen. Trên bề mặt không được láng mịn, có nhiều đốm nhỏ màu đen do cặn kẽm để lại trong quá trình mạ. Do sản xuất bằng công nghệ lạc hậu cho nên sản phẩm không được đồng đều, ở hai mép tôn thường có vết như răng cưa.

. Gạch ống kém chất lượng có trọng lượng nhẹ do độ dày thấp, độ xốp cao. Màu gạch không đồng đều, có màu tái, trắng do sử dụng nguyên liệu xấu cũng như quá trình nung không đạt nhiệt độ cần thiết. Viên gạch bị méo mó, sần sùi, dễ vỡ. Gạch có chất lượng tốt có màu đỏ, màu sắc đồng đều. Gạch có bề mặt bóng láng, đều nhau.    N.H

 VLXD kém chất lượng gây hậu quả khó lường

Theo kiến trúc sư Vũ Công Trường - phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Duy Tân: Một căn nhà đạt chất lượng đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài vẻ đẹp khi thiết kế kiến trúc còn phải tính đến khả năng chịu lực của căn nhà, tức là chất lượng của VLXD. Chẳng hạn: Xi măng phải đúng mác, gạch phải đạt độ hút nước, độ bền nén kể cả cát phải đúng kích cỡ và phải là cát sạch.

Phần chịu lực quan trọng nhất là sắt thép, được xem là bộ xương của căn nhà. Khi mua sắt thép phải chú ý đến cường độ chịu lực của loại thép, vì mỗi loại thép có cường độ chịu lực riêng theo đăng ký của nhà sản xuất. (Cường độ chịu lực đảm bảo phải từ 2.700 - 2.800 kg/cm2 thậm chí 2.900 kg/cm2). Thép kém chất lượng, thép không đủ Æ sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công trình nhất là đối với những căn nhà nhiều tầng, đòi hỏi chất lượng thép phải đảm bảo tính chịu lực theo bản thiết kế như công trình bị nứt, võng, gãy, lún kể cả sụp đổ. Xử lý những tình huống trên rất phức tạp và tốn nhiều chi phí, thậm chí còn cao hơn chi phí xây dựng mới. L.G

 Cơ quan chức năng nói gì?

Bà HUỲNH THỊ LÊ, Trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng hàng hóa và đo lường Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TPHCM:

Chưa từng kiểm tra

VLXD thiếu kích cỡ, kém chất lượng chúng tôi có biết nhưng từ trước đến nay chưa kiểm tra được một phần tin tưởng vào các doanh nghiệp lớn họ tự quản lý được, còn những doanh nghiệp nhỏ thì không đáng kể. Đồng thời cũng chưa có sự chỉ đạo từ cấp trên. Năm nay cũng vậy, cấp trên chỉ đạo kiểm tra một số mặt hàng trọng tâm như mặt hàng dây điện bọc nhựa, dây cáp điện, văn phòng phẩm, phụ tùng xe đạp, xe gắn máy... nhưng cũng không có VLXD. Nếu có đơn thưa từ Văn phòng khiếu nại người tiêu dùng gửi sang, hoặc cá nhân tố giác, chi cục sẽ kết hợp với quản lý thị trường (QLTT) tiến hành kiểm tra ngay.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Phòng Hành chánh - Tổng hợp Chi cục QLTT TPHCM:

Không đủ khả năng kiểm tra

QLTT không am hiểu về quy cách VLXD cho nên rất khó kiểm tra, chẳng hạn như tôn, sắt thép nhìn cái nào cũng như nhau. Vấn đề này phải do các ngành chuyên môn như Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng mới quản lý nổi. Nhiệm vụ chính của QLTT là kiểm tra về hàng gian, hàng giả, sở hữu công nghiệp, giấy phép hoạt động kinh doanh, hàng ngoại nhập lậu... QLTT không thể nào bao trùm được hết, chỉ chú trọng đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc của xã hội. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ nêu ý kiến với ngành để có phương hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng:

Đã có nhiều khiếu nại

Chúng tôi đã giải quyết một số trường hợp khiếu nại về VLXD thiếu kích cỡ. Chẳng hạn như trường hợp người tiêu dùng ở Long An khiếu nại mua tôn 3,5 dem (mm) nhưng người bán giao hàng chỉ có 2,8 dem. Sau khi giải quyết vụ việc, người bán chấp nhận bù lại tiền cho người mua do tôn đã được lợp lên mái nhà. Tương tự, người khiếu nại tại TPHCM cũng mua nhằm tôn không đủ dem, hội đã giải quyết và người bán chấp nhận đổi tôn lại cho người mua do có thuận lợi là số tôn chưa được thi công. Để ngăn chặn hàng kém chất lượng, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự trang bị kiến thức cho mình.     N.H ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo