Trước sự việc rộ lên tình trạng nhiều người dân bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, chiều ngày 25-6, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin cảnh báo người dân. Các chuyên gia báo động thời điểm hiện nay là mùa rắn lục cắn nên người dân hết sức lưu ý.
Hai ca mới nhất vừa được bệnh viện tiếp nhận là một thai phụ đang mang thai tháng thứ 3 (ngụ tại Bình Dương) và một phụ nữ ngụ tại Đắc Nông. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng vết cắn bị sưng, rối loạn đông máu...
Sau khi được điều trị huyết thanh kháng nọc rắn, sau 1 ngày vết cắn đã bớt đau nhức, tình trạng cả hai bệnh nhân này khả quan hơn, sinh hiệu tạm ổn định. TS-BS Lê Quốc Hùng, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thai phụ bị rắn cắn rất nguy hiểm vì gây rối loạn đông máu, xuất huyết nhau thai gây sẩy thai, sinh non, băng huyết thai phụ và khó cứu được thai nhi.
"Thủ phạm" gây hoang man dư luận trong những ngày gần đây.
Cũng theo BS Hùng, chỉ trong 3 tuần gần đây bệnh viện đã tiếp nhận 111 ca rắn cắn, phần lớn là do rắn lục đuôi xanh, đuôi đỏ cắn (80 ca), còn lại rắn hổ, hổ đất, hổ mèo, chàm vàm, cá biệt có đẻn biển cắn. Hiện trong15 ca bị rắn cắn đang điều trị thì 9 ca rắn lục cắn. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận trung bình 800 -1.000 ca, tập trung vào tháng 5-tháng 8, trung bình mỗi tháng có thể lên đến 200 ca.
Theo BS Hùng, bệnh nhân bị rắn cắn đến rất nhiều nơi phía Nam như Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại TP HCM tình trạng cắn nhiều nhất là tập trung ở các quận 9, 12, huyện Hóc Môn.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia sinh thái, từ tháng 4 đến tháng 9 là thời gian rắn lục đuôi đỏ giao phối, sinh sản nên rắn cũng hung dữ, người dân sẽ thấy rắn nhiều hơn những lúc khác. Có ý kiến đề xuất các sở ngành như y tế, TN&MT và chính quyền địa phương… nên cùng vào cuộc để khảo sát, nghiên cứu, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều để tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Bình luận (0)