Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 TP HCM tiếp nhận cấp cứu một trường hợp tai nạn hy hữu: nhậu xong rồi nôn ói đến mức vỡ thực quản, nguy kịch.
Trưa vui vẻ, chiều cấp cứu
Ca tai nạn này là người đàn ông (46 tuổi), vào Khoa Cấp cứu BV Nhân Dân 115 trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng, khó thở. Trước đó, sau buổi tiệc trưa tại nhà, ông nôn rất nhiều lần, rồi đau bụng trên rốn, lan ra khắp bụng và khó thở. Đến chiều tối, tình trạng diễn tiến nặng nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Khoa cấp cứu các bệnh viện thường tiếp nhận những ca tai nạn giao thông do rượu bia
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp, chưa loại trừ thủng dạ dày tá tràng. Bệnh nhân được đặt thông dạ dày và chụp CT-scan bụng có cản quang. Kết quả cho thấy có thâm nhiễm mỡ ở 1/4 bụng dưới phải, nghi ngờ chưa rõ là khí trung thất hay thoát vị dạ dày. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên Khoa Ngoại tổng quát theo dõi và được đề nghị làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác.
Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bị rách tâm vị thực quản, diện rách rộng, gồ cao, đáy sâu...
ThS-BS chuyên khoa II Bùi Minh Thanh, Khoa Ngoại tổng quát BV Nhân Dân 115, cho biết bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, mở ngực trái và ghi nhận góc tâm hoành trái tụ dịch đục, có nhiều khối viêm, tụ mủ... Các bác sĩ đã bóc tách, mở rộng, rửa ổ áp xe và đặt vào khoang lồng ngực hệ thống tưới rửa cùng với ống dẫn lưu màng phổi trái. Bệnh nhân cũng được phẫu thuật khâu lại lỗ thủng thực quản, có đắp một phần mạc nối lớn lên đường khâu. Bệnh nhân được đặt thêm 2 ống dẫn lưu bên cạnh phải - trái thực quản bụng và nuôi ăn bằng phương pháp mở dạ dày. Diễn tiến người bệnh sau đó ổn, tự thở, giao tiếp được.
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Quang Huy, Khoa Ngoại Tổng quát BV Nhân Dân 115, nôn ói là nguyên nhân thường gặp nhất của gây vỡ thực quản tự phát. Chẩn đoán vỡ thực quản tự phát sau nôn ói thường không dễ dàng nếu triệu chứng không điển hình, thường nhầm lẫn với một số bệnh lý nội khoa khác như rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày - thực quản hay viêm tụy cấp. Vì vậy, những trường hợp người bệnh cảm thấy bất thường vùng ngực - bụng sau gắng sức, nôn ói thì nên đến cơ sở y tế để khám và được kiểm tra điều trị kịp thời, tránh để bệnh phát hiện quá muộn sẽ đe dọa tính mạng.
"Vỡ thực quản tự phát là một bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số ca tổn thương thực quản nhưng lại có tỉ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40% hoặc hơn" - bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Đừng liều mạng sống chỉ vì sợ chê... "yếu"
Giới chuyên môn khuyến cáo không ai cấm chuyện rượu bia vui vẻ nhưng nhiều cuộc liên hoan, họp mặt cần chừng mực, không vì vui quá thách đố nhau (nhất là các bạn trẻ) để xảy ra tai nạn không mong muốn gây những hệ lụy về sức khỏe khôn lường.
Tại BV Nhân dân Gia Định (TP HCM) có trường hợp vỡ bàng quang phải cấp cứu sau cuộc nhậu là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người. Trên bàn nhậu, anh em thách đố về "tửu lượng" và không cho đi vệ sinh. Ai đi vệ sinh trước thì bị chê yếu và phạt trả tiền nhậu. Sau cuộc nhậu, người đàn ông này cũng không đi vệ sinh mà tự chạy xe máy về, trên đường có va chạm giao thông dẫn đến vỡ bàng quang.
Tại các bệnh viện lớn ở TP HCM như Bình Dân, Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Gia Định, Y Dược…, nhiều "mày râu" bị tai biến niệu khoa như trên phải cấp cứu không hiếm. Chỉ riêng thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy khoảng 72% trường hợp vỡ bàng quang có liên quan tai nạn giao thông, trong đó tỉ lệ cao liên quan đến bia rượu. Một số trường hợp hiếm gặp là bàng quang vỡ mà không có tác động bên ngoài.
Theo các bác sĩ, bàng quang là nơi chứa đựng nước tiểu. Khi dung tích tăng đến khoảng 250-350 ml thì bàng quang căng giãn khiến con người mắc tiểu. Người nào vì lý do gì đó mà nhịn tiểu khiến dung tích bàng quang tăng quá tải lên đến trên 500 ml sẽ gây đau và có thể vỡ, rất nguy hiểm đến tính mạng.
"Vỡ bàng quang là tình trạng hiếm gặp nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Ở nam giới, việc đi tiểu nhiều lần sau khi uống bia rượu không liên quan đến sinh lý và việc này chứng tỏ thận bệnh nhân còn tốt chứ không yếu như suy nghĩ của nhiều người" - ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học BV Bình Dân, khuyến cáo.
Ngoài những tai nạn nói trên thì nhậu đến nỗi vỡ luôn động mạch chủ cũng là chuyện cần cảnh báo.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy, kể vừa kịp thời cứu sống một nam thanh niên bị tai nạn hy hữu này. Anh L.M.H (24 tuổi, ngụ tỉnhTiền Giang) sau buổi nhậu với bạn bè, về nhà ngủ trong phòng riêng. Đến gần sáng cảm thấy mệt, khó thở, tức ngực nên gắng sức đẩy cửa phòng để ra ngoài cầu cứu thì ngã gục bất tỉnh ngay hành lang. May mắn, anh được người thân phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu tại BV địa phương, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ đoạn quai động mạch chủ và tiến hành mổ cấp cứu.
Bác sĩ An cho biết bệnh nhân có bệnh nền là một dị tật bẩm sinh, hẹp đoạn eo động mạch chủ. Sau đoạn động mạch bị hẹp, mạch máu phình to và căng mỏng. Hẹp đoạn eo động mạch chủ cũng dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị cao huyết áp. Từ trước đến nay không phát hiện triệu chứng nên bệnh nhân cũng không rõ bệnh tình. Khi gặp các chất kích thích là rượu, bia đã làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Mạch máu vốn đã yếu sẽ bị vỡ, chèn ép vào đường thở khiến bệnh nhân khó thở. May mắn là bệnh nhân được đưa đi cấp cứu kịp, nếu không sẽ khó qua khỏi.
34% ca tử vong tai nạn giao thông do rượu bia
Theo báo cáo toàn cầu về thực trạng an toàn giao thông tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 2.000 người/ngày; có tới 1/3 số vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong đều từ việc sử dụng rượu bia khi lái xe và giới trẻ là những người có nguy cơ cao nhất.
Tại Việt Nam, có tới 32% số vụ tai nạn giao thông ở nam giới và 20% số vụ tai nạn giao thông ở nữ giới đều liên quan việc sử dụng rượu bia. Đặc biệt, 34% số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam đều xuất phát từ nguyên nhân sử dụng rượu bia khi lái xe.
Bình luận (0)