Từ thực tế cũng như cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa, quần áo bơi hàng thùng
ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh da liễu (Ảnh minh họa)
"Hàng thùng" bán nhiều
Tại phòng khám của Trung tâm Sức khoẻ sinh sản Thảo Nguyên, BS Nguyễn Thị Thanh cho biết, cách đây mấy hôm có bệnh nhân N. (Hoàng Mai, Hà Nội) đến khám vì bị nấm và rận vùng kín. Theo BS Thanh, nguyên nhân bị nấm và rận có thể do chị mặc quần áo bơi hàng thùng.
Bệnh nhân N. cho biết, khoảng 1 tuần trước, chị có mua một bộ quần áo bơi hàng thùng tại chợ Đông Tác, Hà Nội. Khi mua thấy chất quần áo vẫn còn tốt, được quảng cáo nhập khẩu của Hàn Quốc nên chị không chú ý đến độ sạch bẩn của đồ. Trong các đồ quần áo đó có chiếc quần bị dúm một góc chun, mấy con rận nhỏ bò vào, bò ra. Chủ quan rằng giặt xà phòng và phơi nắng sẽ sạch nhưng không ngờ, chỉ sau một hôm mặc, chị bị ngứa và phát hiện có các con rận nhỏ li ti ở vùng kín như trước đó chị đã thấy ở quần áo bơi.
Qua khảo sát tại chợ Đông Tác, chúng tôi thấy hàng đống quần áo bơi được bày bán la liệt trên các tấm bạt hay ngay giữa sàn kiốt. Từ chiếc quần tắm nam đến các bộ quần áo bơi liền thân hay hai mảnh của phụ nữ, thậm chí có cả quần áo bơi của trẻ em cũng rất đa dạng phong phú. Hầu hết, các bộ quần áo này đều đã bị ngả màu, ố, có bộ còn dúm dó, giãn hết chất vải, thậm chí có chiếc quần bị ố vàng phần đũng... Hầu hết người mua phải bới trong đống cũ bẩn đó để tìm cho mình cái phù hợp. Mỗi bộ quần áo bơi của phụ nữ và trẻ em có giá từ 15.000 - 90.000 tuỳ loại.
Giặt và phơi nắng không diệt được nấm
BS Nguyễn Thị Thanh khẳng định khó có ai biết được có các chất bẩn gì trong quần áo hàng thùng và cũng khó biết được quần áo đó có bị nhiễm nấm hay bệnh da liễu, hoa liễu từ người mặc trước hay không.
Nếu người mặc trước đã bị các bệnh về nấm da, nấm vùng âm đạo, hay các bệnh khác về da liễu thì nguy cơ người mặc sau bị nhiễm là rất cao. Theo BS Thanh, các loại nấm thường ký sinh trên quần áo rất lâu và khó có thể diệt được sạch. Khi đã nhiễm vào người thì phải dùng các loại thuốc đặc hiệu mới có thể diệt được, đấy là chưa nói đến các biến chứng của chúng như gây viêm loét da, viêm âm đạo, vô sinh... Vì thế, tốt nhất nên mặc quần áo mới, nếu không có điều kiện thì mới phải dùng đồ cũ. Tránh việc a dua nhau đi mua quần áo cũ mà không biết chất vải thế nào là đẹp, quần áo thế nào là vệ sinh.
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đồ cũ nhiều khi cũng tốt vì chất vải mềm, không bị hồ gây xây xước da. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý yếu tố đầu tiên là khâu vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm các bệnh về da liễu, bị nấm da, hoa liễu...
TS Tiến nhấn mạnh: Khi mua quần áo về cần có kế hoạch tẩy, sấy, hấp như quần áo bệnh viện để được sạch sẽ, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, tránh việc quần áo cũ được giặt giũ một cách sơ sài, giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. "Nếu chỉ giặt bình thường và phơi nắng khó có thể diệt được nấm hay ghẻ lở".
Vì thế, sau khi mua về nên đưa đến các hiệu giặt là chuyên nghiệp để được hấp diệt khuẩn hoặc nấu qua quần áo và là nóng trước khi mặc.
Ngoài ra, không những quần áo cũ mà ngay cả quần áo mới khi mua về cũng cần được giặt giũ sạch sẽ. Nhất là trẻ nhỏ, cần giặt sạch để loại bỏ chất hồ, chất bẩn còn dính trên vải.
Đồ thuê nguy cơ cao hơn đồ cũ Khi đi bơi không nên thuê đồ lót. Có thể nói quần áo bơi được cho thuê tại các bể bơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn cả quần áo cũ hàng thùng. Vì trong môi trường này, người thuê quần áo bơi lại đa chủng loại, không biết ai sạch sẽ, có nhiễm bệnh gì hay không. Nếu người mặc trước bị các bệnh da liễu, nấm, hoa liễu thì người sau chắc chắn sẽ bị nhiễm bệnh, nhất là quần áo chưa được giặt sạch, phơi khô, luôn ẩm ướt. Ngoài ra, không nên dùng khăn chung vì chỉ cần lau qua, nhất là các vùng kín, cũng có thể lây bệnh về hoa liễu... ThS Vũ Thái Hà (Khoa lazer - Phẫu thuật, Viện Da liễu Quốc Gia) |
Bình luận (0)