Gần đây, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị của hệ thống y tế nước ta đã góp phần chẩn đoán sớm, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn cho nhiều bệnh nhân ung thư hoặc kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống cho họ.
Vấn đề quan trọng, như phân tích của nhiều chuyên gia về điều trị ung thư, là nếu trước năm 2007, tỉ lệ người bị ung thư ở nước ta đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3-4) là 80% thì hiện nay vẫn còn khoảng 65%. Đến bệnh viện muộn đồng nghĩa với việc chất lượng điều trị và chất lượng sống của người bệnh đều hạn chế và tỉ lệ may mắn sống sót sau các căn bệnh ung thư sẽ không cao.
Làm sao dự báo được khả năng mắc bệnh ung thư để điều trị sớm? Dĩ nhiên số một vẫn là tầm soát thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn một lần/năm và tốt hơn nữa là một lần/6 tháng.
Bên cạnh đó, chúng ta rất cần lưu ý đến các dấu hiệu dự báo sau đây: Thiếu máu do thiếu chất sắt xảy ra ở người già và trung niên (dấu hiệu của ung thư kết tràng); khi đại tiện, phân mỏng và kèm theo máu (dấu hiệu của ung thư đường ruột); phụ nữ qua thời dậy thì, sờ ngực thấy có cục u cứng (dấu hiệu của ung thư tuyến sữa); trong nước tiểu kèm theo máu và khi tiểu không có cảm giác đau (dấu hiệu đường tiết niệu có liên quan đến ung thư); ho ra máu (dấu hiệu ung thư phổi); ra máu sau khi tắt kinh nguyệt mà không phải trong thời kỳ đang uống các loại thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe có chứa kích thích tố estrogen, progesterone hay những sản phẩm phòng rối loạn sinh lý (dấu hiệu dự báo ung thư liên quan đến bệnh phụ khoa); nuốt thức ăn vào thấy đau đầu và nuốt khó (dự báo ung thư thực quản)...
Đôi lúc có những dấu hiệu nhỏ nhưng vì không lưu ý, chúng ta vô tình để tuột mất cơ hội mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Bình luận (0)