Tình hình dịch bệnh tại TP HCM còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Sở Y tế TP HCM, hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do sởi nhưng số lượng bệnh nhân mắc sởi đã tăng mạnh, xuất hiện ở tất cả 24 quận, huyện.
Bệnh nhân sởi tăng gần 4 lần
Từ đầu năm 2014 tới nay, TP đã có gần 1.500 trường hợp mắc sởi được điều trị tại các bệnh viện, trong khi cả năm 2013 chỉ ghi nhận hơn 400 ca. Hiện trung bình mỗi tuần có 120 ca sởi nhập viện, trong đó khoảng 70% là trẻ em dưới 3 tuổi; từ 3 đến 10 tuổi chiếm hơn 20%. Đáng chú ý là người lớn cũng mắc sởi. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, số người lớn mắc bệnh sởi đang gia tăng từng ngày, chiếm 1/3 tổng số ca bệnh sởi nội trú tại đây. Những tháng trước đó, thường ngày bệnh viện chỉ có khoảng 10 bệnh nhân lớn tuổi mắc sởi phải nằm viện thì những ngày qua luôn có từ 25-30 bệnh nhân. Tính từ đầu năm đến nay, trong 1.000 ca nhập viện điều trị bệnh sởi tại bệnh viện này thì 33% là người lớn.
Ngược với cảnh vắng hoe tại các điểm tiêm phòng sởi ở trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP, các điểm tiêm ngừa lớn như Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Dinh dưỡng TP lại có rất đông người dù chất lượng vắc-xin ở 2 khu vực đều có tác dụng phòng sởi như nhau. Đây là vấn đề tâm lý trong một bộ phận người dân cần sớm được giải tỏa. Do nhu cầu tiêm ngừa vắc-xin sởi dịch vụ “3 trong 1” (gồm sởi - quai bị - Rubella) tăng cao nên các điểm tiêm ngừa lớn đã hết vắc-xin. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, khuyến cáo phụ huynh nên đến điểm tiêm chủng của quận, huyện và trạm y tế phường, xã để được tiêm ngừa sởi cho con theo chương trình tiêm chủng quốc gia khi vắc-xin dịch vụ đã hết.
Chủ động phương án xử lý
Cùng với dịch sởi đang bùng lên, dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng gia tăng. Tại Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày có từ 40-50 trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, bắt đầu từ tháng 3, bệnh thủy đậu gia tăng ở TP, với 40-50 ca mỗi tuần. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 400 trẻ ở TP mắc thủy đậu phải nhập viện điều trị, tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, còn có hàng ngàn trẻ khác ở các tỉnh đổ về các bệnh viện truyền nhiễm ở đây khiến bệnh viện quá tải và nguy cơ lây lan nhanh.
Trước tình hình dịch sởi hiện nay, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống như truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân để phòng bệnh; tập huấn cho các bệnh viện để chủ động phương án xử lý, cách ly những trường hợp mắc bệnh để tránh lây nhiễm chéo, đồng thời mở rộng tiêm vét vắc-xin sởi đến hết tháng 5-2014. Trong khi đó, Bộ Y tế hôm 26-4 đã quyết định sẽ tiêm vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ 2-10 tuổi tại các tỉnh, thành có nguy cơ cao, gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa và Bình Dương. Đây là những địa phương có số ca mắc sởi mới cao trong tháng 4-2014 và có mức độ giao lưu, biến động dân cư lớn.
Không đi du lịch nếu đang mắc bệnh hô hấp
Ngày 27-4, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về phòng chống dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi đến những nơi tập trung đông người như khu vui chơi, giải trí; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng... Trong quá trình đi du lịch, nếu ai có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan. Chủ động tiêm phòng vắc-xin sởi.
N.Dung
Bình luận (0)