BS Cấp cho biết, nha bào uốn ván tồn tại rất nhiều trong môi trường đất, cát, phân súc vật và sống rất dai dẳng. Khi xâm nhập được vào vết thương, vết bầm dập trên cơ thể người, nha bào sẽ phát triển thành vi khuẩn uốn ván và các vi khuẩn này sẽ tiết ra độc tố gây bệnh uốn ván. Vi khuẩn uốn ván sinh sôi nảy nở và tiết ra độc tố bên trong vết thương mà không gây sưng nề ngay cả khi vết thương khô miệng. Chính điều này làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở người bệnh, khiến họ chỉ sát trùng vết thương mà không đi tiêm phòng vắc xin uốn ván.
Như trường hợp của ông V.N.H., 40 tuổi, ở Nam Định, bị một hòn gạch rơi vào ngón chân trái; ông chỉ sát trùng bằng oxy già và uống kháng sinh, vài ngày sau vết thương khô miệng. Tuy nhiên, hơn nửa tháng sau, ông H. xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó nuốt, khó há miệng, đau thắt lưng… Bệnh nhân được đưa đến BV Nhiệt đới thì rơi vào tình trạng hôn mê sâu, người căng cứng và giật liên hồi, đến nay vẫn chưa tỉnh.
Theo BS Cấp, cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh uốn ván. Ước tính một ca uốn ván nhập viện có chi phí điều trị lên tới 100 - 150 triệu đồng trong khi tiền tiêm vắc xin chỉ mất vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh chỉ bảo vệ cơ thể trong vòng 10 năm nên sau thời gian đó cần phải được tiêm nhắc lại.
Với trường hợp chẳng may bị thương, bầm dập xây xát, người bệnh cần lấy hết dị vật (đất, cát, gai, dằm…) trong vết thương. Sau đó, sát trùng vết thương bằng các dung dịch khử khuẩn như oxy già. Đồng thời phải đi tiêm phòng huyết thanh và vắc xin ngay nếu chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm quá 10 năm.
Bình luận (0)