xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều “điểm đen” sốt xuất huyết

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

UBND TP HCM chỉ thị Sở Y tế tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, trừ muỗi; tuyên truyền kiến thức về phòng chống muỗi sốt xuất huyết cho cộng đồng tại tất cả phường, xã

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát khiến cộng đồng quan ngại. Ghi nhận mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM ngày 27-8 cho thấy hiện dịch bệnh SXH đã tăng 53% so với cùng kỳ.

Thêm nhiều điểm “nóng”

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị X. (đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) vào sáng 27-8. Chào khách vài câu cũng là lúc vợ chồng ẵm con, quấn khăn đưa đi cấp cứu. Đứa con gái 6 tuổi của chị mới vào lớp 1 song những ngày qua đi học về, cháu bỗng bỏ ăn, nóng lạnh, li bì. Sốt đến gần hết ngày thứ hai, thấy sức khỏe con càng yếu, đi tiêu ra phân đen lợn cợn, cả nhà mới lo sốt vó. “Tưởng đâu bé nhức đầu sổ mũi, ai ngờ bị mắc chứng bệnh SXH nguy hiểm, cháu nhập viện rồi anh ơi!” - chị X. nghẹn giọng qua điện thoại với tôi khi đang ở bệnh viện.

Dọc theo đại lộ Phạm Văn Đồng (phường Linh Tây và phường Linh Đông, quận Thủ Đức) gần đây có thêm nhiều điểm “nóng” mới bùng phát SXH. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức, năm ngoái, toàn địa bàn quận chỉ có 3 phường thuộc diện “nóng” về bệnh SXH, nay lại thêm 2 điểm. Tình hình này khiến công tác phòng chống SXH ở địa phương càng khó khăn. Hạ tầng cơ sở TP phát triển nhưng với nhiều công trình dở dang, đã trở thành những “ổ muỗi” khiến dịch bệnh SXH tăng cao. Chưa kể, tình trạng nhà dân 2 bên đường di dời, tháo dỡ, sửa chữa, xây cất hàng loạt, để lại rất nhiều ao tù, nước đọng, cống không thoát nước… tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Số liệu mới nhất của ngành y tế TP cho thấy loại dịch bệnh nguy hiểm này đang gia tăng. Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, đến tuần mới nhất (tuần 34), trên địa bàn TP ghi nhận thêm 391 ca mắc SXH, tăng 8% so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận 7.197 ca mắc SXH, trong đó 15 quận - huyện là điểm nóng dịch bệnh SXH tăng cao gồm: 7, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Chánh… Những nơi lâu nay có tỉ lệ mắc SXH thấp nhưng nay lại tăng bất thường là các quận 2, 7, 10 và huyện Củ Chi.

 

Tuyến đường mới Phạm Văn Đồng còn nhiều ao tù, nước đọng khiến muỗi phát triển, gây bệnh
Tuyến đường mới Phạm Văn Đồng còn nhiều ao tù, nước đọng khiến muỗi phát triển, gây bệnh

 

Người dân lơ là phòng chống

Trong khi dịch bệnh SXH tăng cao thì việc phòng chống ở cộng đồng lại chưa tích cực. BS Nguyễn Trí Dũng giải thích sự gia tăng bất thường của dịch bệnh SXH trong năm nay còn đến từ yếu tố môi trường sống ở khu vực đô thị vốn đang thay đổi liên tục, tạo không ít khoảng trống xây dựng ngay trong mùa mưa, giúp muỗi sinh sôi, phát triển thuận lợi. Nhưng đáng lo hơn là đại đa số hộ gia đình còn quá lơ là với các hoạt động diệt lăng quăng, trừ muỗi.

BS Bạch Thị Chính, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết khó khăn lớn của nhân viên y tế trong công tác phòng chống SXH là do người dân “bất hợp tác”. Khi nhân viên y tế đến thực hiện nhiệm vụ truyền thông, vận động thì hộ dân nào cũng lắng nghe, cũng đồng ý, cũng hứa sẽ tích cực diệt lăng quăng, trừ muỗi... nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Vì vậy, hoạt động diệt lăng quăng, trừ muỗi dựa vào cộng đồng đã tỏ ra kém hiệu quả.

Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã và đang triển khai đồng bộ 4 giải pháp trong nỗ lực khắc phục tình trạng lơ là phòng chống dịch bệnh. Theo BS Dũng, 4 giải pháp mà ngành y tế dự phòng TP đang nỗ lực triển khai thực hiện bao gồm: Tăng cường truyền thông, vận động bằng hệ thống, phương tiện thuộc ngành, đồng thời mở rộng đến hệ thống truyền thông đại chúng, giúp cộng đồng hiểu rõ sự cần thiết của hoạt động diệt lăng quăng, trừ muỗi để phòng tránh bệnh SXH, đặc biệt là tại các địa bàn nguy cơ cao; đẩy mạnh truyền thông trong các ban - ngành, đoàn thể ở địa phương trong nỗ lực xây dựng nhiều gương điển hình tích cực (hội viên, thành viên các ban - ngành, đoàn thể) trong hoạt động diệt lăng quăng, trừ muỗi; những địa bàn xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH cao vì nhiều lăng quăng và muỗi sẽ cùng chính quyền địa phương yêu cầu người dân tiến hành cam kết diệt lăng quăng, trừ muỗi, sau đó chính quyền địa phương sẽ kiểm tra giám sát và xử phạt hành chính theo Nghị định 176 nếu không thực hiện cam kết; thành lập đội diệt lăng quăng, trừ muỗi tại khu phố/tổ/ấp và phường/xã. Đội này sẽ trực tiếp diệt lăng quăng, trừ muỗi giúp các hộ gia đình tại những địa bàn nguy cơ cao tại thời điểm này, sau đó yêu cầu các hộ gia đình cam kết diệt lăng quăng, trừ muỗi với sự giám sát, kiểm tra, xử phạt hành chính của chính quyền địa phương.

 

Virus SXH ngày càng nguy hiểm!

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 25.000 ca mắc SXH, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phía Nam được coi là “điểm nóng” của dịch SXH với số mắc tăng 40% - 50% so cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, dịch SXH thường ghi nhận ở trẻ em - đối tượng miễn dịch kém - song những năm qua, đối tượng người lớn mắc SXH chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân. Đáng lo ngại là virus SXH đã lưu hành ở nhiều dạng (type) nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo