Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng hệ thống cấp cứu hồi sức hiện nay có nhiều bất cập giữa bệnh viện (BV) tuyến trên và tuyến dưới. Ở tuyến dưới do hạn chế về nhân lực và trang thiết bị nên đôi khi chẩn đoán không chính xác hoặc có sai lầm trong chuyển viện, chuyển viện không kịp thời... Còn tuyến trên thường hay chê bác sĩ tuyến dưới ngay trước mặt người bệnh làm mất lòng tin của bệnh nhân đối với bác sĩ tuyến dưới.
Trang thiết bị chưa được đầu tư đúng
Khảo sát của Bộ Y tế về hoạt động cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc của các BV đa khoa khu vực phía Nam đã ghi nhận hầu hết các BV đều được trang bị đầy đủ các phương tiện máy móc hồi sức cấp cứu nhưng các trang bị này thường không đồng bộ, chiếm đến 82%, vì vậy đã gây ra nhiều hạn chế trong việc vận hành và sử dụng máy móc. Còn các BV tuyến tỉnh, hệ thống hồi sức cấp cứu chưa được tổ chức đúng theo quy trình, có 11 BV vẫn theo mô hình một khoa cấp cứu, hồi sức và chống độc chung và có ba BV thì khoa cấp cứu được đặt chung với phòng khám. Việc chống độc thực sự chưa được quan tâm vì lượng bệnh nhân ngộ độc vào các khoa hồi sức ở BV phía Nam hơn 4.500 trường hợp mỗi năm nhưng chỉ có 2 trong số 24 BV tuyến tỉnh có tư vấn về ngộ độc và chỉ có 6 BV có thể phát hiện tìm chất độc bằng các xét nghiệm sinh hóa.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Trường, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, chính tình trạng chuyển viện không đúng đã gây ra quá tải cho tuyến trên. Vì vậy, ngay cả BV Chợ Rẫy cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu của người bệnh, phòng bệnh chật hẹp so với số lượng người bệnh, thiếu bác sĩ và cả điều dưỡng có tay nghề hồi sức, thiếu nhiều trang thiết bị như máy thở, monitor, bơm điện... Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng thừa nhận hiện nay trang thiết bị dành cho cấp cứu hồi sức chưa được ngành y tế quan tâm nên không đủ so với nhu cầu.
Riêng tại TPHCM, hiện nay chỉ có BV Cấp cứu Trưng Vương có khoa cấp cứu ngoài BV, còn lại tất cả các BV công lập trực thuộc Sở Y tế hay trực thuộc Trung ương và cả BV tư nhân đều chưa quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy có BV chỉ bố trí tiếp nhận cấp cứu ngoại viện trong giờ hành chính. Ông Lý Ngọc Kính nhận định trong tình hình này nếu xảy ra thảm họa thì ngành y tế không trở tay kịp.
Chuyển viện nhi, “bó tay” khi gặp biến cố
Còn về công tác cấp cứu và chuyển viện cho bệnh nhi, phía BV Nhi Đồng 1 TPHCM ghi nhận có chưa đến 30% các trường hợp được chuyển viện từ BV tuyến quận, huyện thuộc địa bàn TP, còn lại hơn 70% được chuyển từ 27 tỉnh phía Nam. Trong đó, có gần 80% bệnh nhi được chuyển viện do quá khả năng chuyên môn của bác sĩ tuyến dưới và gần 20% gặp biến cố trong quá trình chuyển viện như tím tái, sốc, co giật... Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là khi có biến cố xảy ra trong lúc chuyển viện thì chỉ có khoảng 9% trường hợp được xử trí, còn lại hơn 90% không xử trí được do hầu hết bác sĩ chuyển viện không phát hiện được tình huống nguy hiểm hoặc quá khả năng xử trí của nhân viên hộ tống.
Ghi nhận những bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới đến BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ cho biết không phải trường hợp chuyển viện nào cũng có nhân viên hộ tống, có gần 20% bệnh nhi được chuyển viện không có ai theo dõi trên xe. Còn nhân viên hộ tống chuyển viện hầu hết là điều dưỡng (chiếm hơn 81%), chính vì vậy khi có biến cố xảy ra thì bệnh nhi không được xử trí kịp thời nên khi đến BV Nhi Đồng 1 đã có gần 25% trẻ ở trong tình trạng không ổn định như suy hô hấp, sốc, hôn mê, co giật và cả tử vong trước khi nhập viện.
Ngoài ra, còn có nhiều sai sót khác trong quá trình chuyển viện cũng được ghi nhận như hầu hết xe chuyển viện không được trang bị đầy đủ y cụ cấp cứu, không có dịch truyền dự trữ, không đủ thuốc cấp cứu thiết yếu, không đầy đủ thông tin khi chuyển viện và hơn 90% chuyển viện không báo trước nơi nhận. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho rằng hạn chế lớn nhất là hiện nay ngành y tế chưa quan tâm đến việc thành lập trung tâm chống độc riêng cho trẻ em và mạng lưới hồi sức cấp cứu nhi chưa phủ hết các tỉnh phía Nam.
Chỉ có 20% bác sĩ qua đào tạo chuyên ngành Về nhân lực, hiện toàn phía Nam chỉ có 1.624 nhân viên hồi sức cấp cứu, trong đó có 326 bác sĩ nhưng thực sự chỉ có 75 bác sĩ đã qua đào tạo chuyên ngành (chiếm tỉ lệ 20%). Cho đến nay, các trường Đại học Y khoa tại TPHCM đều chưa thành lập bộ môn Hồi sức cấp cứu và chống độc. Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết do không được đào tạo đồng bộ nên quan điểm về cứu hộ và cấp cứu của ngành y tế hiện nay chưa rõ ràng và minh bạch. Nhân viên hồi sức cấp cứu chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chưa đủ trang thiết bị để chịu trách nhiệm tuyến đầu đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân đến BV không được sơ cứu ban đầu, chuyển viện chưa phù hợp với trạng thái bệnh lý của người bệnh. |
Bình luận (0)