Người thứ nhất là ông T.H (58 tuổi) trong lúc thức dậy đi vệ sinh giữa khuya thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào mu bàn chân phải, chảy máu, đau nhức nhiều và rơi vào khó thở.
Tiếp đến là chị N.O (31 tuổi) khi đi cạo mủ cao su cũng bị loài rắn độc này cắn vào cẳng chân phải, được chuyển khẩn cấp cứu trong đêm.
Nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công được Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh tiếp nhận cấp cứu
Cả hai nhập viện trong tình trạng sưng đau phù nề cẳng bàn chân và rối loạn đông máu mức độ nặng, nguy cơ xuất huyết cao. Trong đó, chị O. bị nặng hơn, tổn thương thận cấp nghi do tiêu cơ vân cấp.
Ngay sau đó, hai bệnh nhân được xử trí khẩn cấp, tiêm huyết thanh kháng nọc độc, truyền dịch, hồi sức, kiểm soát tình trạng đông máu... và qua được nguy kịch.
Theo BS chuyên khoa I Hồ Ngọc Việt, Trưởng Khoa Nội Tổng quát-Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á-Tây Ninh, do thói quen sinh hoạt, làm việc của người dân (như cạo mủ cao su, đi làm đồng vào lúc rạng sáng) cùng thời điểm rắn độc đi kiếm ăn nên bị rắn tấn công.
"Bị rắn lục cắn thường chỉ bị đau nhức ở vết thương, vẫn tỉnh táo, tuy nhiên không nên chủ quan vì sau khoảng 6 đến 12 giờ chỗ bị rắn cắn bắt đầu sưng, phù nề. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, tổn thương thận cấp do tiêu cơ vân. Một số trường hợp viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn đi vào máu theo vết cắn... và dẫn đến tử vong" - bác sĩ Việt cảnh báo.
Bình luận (0)