Cách đây 5 năm, TP HCM đã lập ra mô hình phòng khám vệ tinh (PKVT) với mục đích "chia lửa", giảm tải cho y tế tuyến trên, giúp người bệnh tiếp cận gần hơn với y tế cơ sở, tiện lợi khám bệnh. Tuy nhiên, hiện hoạt động của mô hình này đang dần mờ nhạt.
Trả mặt bằng, ngưng hoạt động
PKVT Tây Thạnh (quận Tân Phú) do Bệnh viện (BV) quận Tân Phú và Trung tâm Y tế (TTYT) quận mở vào tháng 5-2017. Tuy nhiên, hiện PKVT này đã được BV quận Tân Phú bàn giao lại cho TTYT quận. Tấm bảng hiệu trước cổng đã được tháo dỡ và thay vào đó là bảng hiệu "TTYT quận Tân Phú - Trạm Y tế (TYT) phường Tây Thạnh".
PKVT TYT Hiệp Bình Chánh - BV TP Thủ Đức cũng đã ngưng hoạt động và trả lại cho TYT phường - TTYT TP Thủ Đức. Trước cổng TYT phường Hiệp Bình Chánh chỉ còn tấm bảng mang nội dung "Sở Y tế TP HCM - BV quận Thủ Đức - Phòng khám Đa khoa vệ tinh Hiệp Bình Chánh" nằm cạnh bảng hiệu mới với nội dung "TTYT TP Thủ Đức - TYT phường Hiệp Bình Chánh".
Hai PKVT nói trên sau khi trả mặt bằng, công tác khám chữa bệnh vẫn hoạt động bình thường, nhân sự bây giờ là do TYT và TTYT quận phụ trách.
Riêng Phòng khám Đa khoa vệ tinh Linh Trung - BV TP Thủ Đức đã dọn sạch máy móc, trang thiết bị, bảng hiệu..., chỉ còn tòa nhà hàng trăm m2 thuê mở bỏ không, vắng lặng với những dòng chữ "Da liễu - chăm sóc da; ngoại tổng quát - niệu".
Điểm sáng đang mờ dần
Ông Nguyễn Duy C. (79 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh ban đầu tại BV Thống Nhất (TP HCM) nhưng nhiều năm qua mỗi khi khám bệnh là đến PKVT. Ông cho biết ngoài gần nhà, khỏi chờ đợi lâu, PKVT thuộc BV nên an tâm về chất lượng, được tư vấn nhiều hơn. Những bệnh mãn tính như cao huyết áp, thoái hóa khớp, tiểu đường… tái khám định kỳ nên đến PKVT là tiện nhất, đỡ phải lên tuyến trên đi xa, chờ đợi lâu.
Năm 2017, các PKVT tại TP HCM ra đời với sự đồng thuận khích lệ của bộ, ban, ngành, Sở Y tế, UBND quận... vì mục đích hỗ trợ nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, "chia lửa", giảm tải cho y tế tuyến trên, giúp cho người bệnh tiếp cận gần hơn với y tế cơ sở, tiết kiệm thời gian, chi phí khám chữa bệnh.
Thời hoàng kim các PKVT như Linh Xuân, Linh Tây, Bình Chiểu, Thảo Điền (TP Thủ Đức), Tây Thạnh (quận Tân Phú) mỗi ngày khám chữa bệnh, cấp thuốc cho hàng trăm lượt bệnh nhân. Tính ra mỗi tháng, các PKVT này đã khám, chữa bệnh phát thuốc cho hàng chục ngàn lượt người bệnh cho TP HCM.
Đáng tiếc là đến nay, trong khi TP HCM vừa triển khai thêm được một PKVT tại Bình Chánh thì cũng là lúc 3 PKVT ở các quận Tân Phú, TP Thủ Đức âm thầm đóng cửa.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết mở được PKVT là một nỗ lực rất lớn của các BV, góp phần chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người dân, giảm tải tuyến trên. Ngoài những mục tiêu trên, PKVT còn nâng cao nhận thức, lòng tin của người dân đối với cơ sở y tế tuyến phường, xã.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc BV quận Tân Phú (người mới kế nhiệm từ năm 2022), cho hay ngay từ thời mới mở, PKVT Tây Thạnh là đơn vị thứ 2 của TP. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn có nhiều thay đổi, mô hình này không còn phù hợp với tình hình mới. "Chúng tôi đã hoàn trả, bàn giao lại cho TYT, TTYT quận. Hồ sơ cũng đã trình lên Sở Y tế nhưng vẫn chưa thấy phản hồi" - bác sĩ Trường thông tin.
Phòng khám vệ tinh Tây Thạnh (quận Tân Phú) đã trả mặt bằng cho Trung tâm Y tế quận
Vì đâu nên nỗi ?
BV TP Thủ Đức là đơn vị mở PKVT đầu tiên và có nhiều PKVT nhất tại TP (5 PKVT). Tuy vậy, đến thời điểm này có 2/5 PKVT đóng cửa. Giải thích nguyên nhân, lãnh đạo BV TP Thủ Đức cho rằng không đủ nhân sự đáp ứng, phần BV thiếu người, phần ít nhân viên y tế tâm huyết về PKVT. PKVT Hiệp Bình Chánh hiện trả lại cho TYT-TTYT TP Thủ Đức. "Riêng PKVT Linh Trung, dù rằng hoạt động khá tốt, chăm lo sức khỏe cho hàng chục ngàn công nhân lao động trong khu chế xuất và vùng lân cận. Thế nhưng, đây là cơ sở thuê mướn, không phù hợp với quy định hiện hành nên chúng tôi phải dừng hoạt động" - vị lãnh đạo này phân trần.
Bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ để PKVT hoạt động, phải có đủ trang thiết bị, nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, hiện nay các BV như Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, Tân Phú và huyện Bình Chánh tự chủ tài chính (một phần hoặc toàn phần) nên việc gánh thêm chi phí, nhân lực cho các PKVT là cả vấn đề. Các BV rất nỗ lực duy trì PKVT vì người bệnh chứ không có lợi nhuận.
Theo các bác sĩ, PKVT rơi vào cảnh khó khăn trên là do đang vướng luật. Bệnh nhân đăng ký BHYT các BV tuyến tỉnh, TP, trung ương nhưng nếu chọn về PKVT, TYT khám chữa bệnh thì luật không cho phép (buộc người bệnh đến BV). Trong khi PKVT đem lại lợi ích cho người bệnh, không làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị, không làm hao hụt quỹ BHYT (vì người bệnh nhận thuốc ở BV hay ở PKVT cũng tương đương). Đây cũng là rào cản khiến PKVT và cả các TYT, TTYT quận, huyện không thể gia tăng số lượng bệnh nhân tới khám. Đơn cử, một PKVT gần đây khi thực hiện đúng luật, lượng bệnh nhân đã giảm từ 50%-60% (từ gần 100 lượt/ngày xuống chỉ còn khoảng 20-30 người).
Tại TP HCM có hàng chục BV tuyến TP, trung ương và hiện có hàng triệu người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các BV. Với đặc thù của TP HCM thì các BV tuyến quận cũng quá tải. Việc mở lối cho các TYT, PKVT là điều các nhà quản lý cần nhanh chóng xem xét, tháo gỡ đặc biệt tạo điều kiện cho người bệnh được khám chữa bệnh thuận tiện.
Bình luận (0)