Nam giới muốn có một thể hình đẹp đòi hỏi phải kiên trì dành nhiều thời gian trong luyện tập. Vì thiếu thời gian nên nhiều người đã sẵn sàng chi ra khoảng 10 triệu – 30 triệu đồng để mua cho mình một bộ dụng cụ về nhà tập. Dụng cụ tập thể hình hiện có rất nhiều loại, những người không chuyên nghiệp rất khó biết được mình phù hợp với loại dụng cụ nào nếu không có sự tư vấn của các chuyên gia. Ai cũng dễ dàng sở hữu một bộ dụng cụ tập thể hình ngay tại nhà mà không biết chất lượng và tác dụng thế nào.
Rất dễ chấn thương
Qua kinh nghiệm khám và chữa trị cho những trường hợp bị chấn thương do tập thể hình, bác sĩ Vũ Lưu Luy - Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia II - khuyến cáo: Người tập thể hình theo kiểu a-ma-tơ rất dễ bị chấn thương do không được sự chỉ dẫn trực tiếp của cán bộ giảng dạy.
Hầu hết những người tập thể hình ở nhà thường có tâm lý chủ quan, tập theo cảm hứng, không theo một trình tự rõ ràng. Nhiều người còn khởi động các cơ không kỹ đã đi vào các bài tập mạnh nên các chấn thương trong tập luyện thường tích tụ theo năm tháng và theo chiều hướng nặng dần lên.
Bác sĩ Luy cho biết các chấn thương thường gặp do tập sai động tác thường là vẹo cột sống, đau cơ bắp, tổn thương hệ cơ khớp, bong gân. Các chấn thương nghiêm trọng hơn thường thấy là đứt dây chằng, trật vai, cụp xương sống do khuân vác một lượng tạ quá nặng so với sức chịu đựng của cơ thể. Các chấn thương do tạ rơi, dụng cụ hư hỏng có thể dẫn đến gãy tay, gãy chân, tạ đè cả lên người...
Người tập tại nhà nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời sẽ rất nguy hiểm và dễ để lại di chứng suốt đời. Thông thường các chấn thương bên ngoài thường mau bình phục nhưng những tổn thương về cơ bắp, khớp xương thì rất khó bình phục, nhiều khi bệnh nhân còn bị đau đớn kéo dài.
Nên kiểm tra sức khỏe trước khi tập
Theo bác sĩ Luy, những người bị mắc các chứng bệnh huyết áp cao, tim mạch, hen suyễn, người lớn tuổi tùy thuộc vào từng trường hợp và mục đích tập sẽ có những bài luyện tập khác nhau. Người tập phải tập theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và huấn luyện viên. Thông thường những người mắc một vài chứng bệnh nên tập thật nhẹ nhàng để phù hợp với nhịp đập của tim và áp lực máu bơm lên não.
Bác sĩ Luy khuyến cáo: “Tốt nhất, những người bị mắc các chứng bệnh như huyết áp cao, tim mạch, hen suyễn, người lớn tuổi, nên tập những môn thể thao nhẹ nhàng, có thể tập toàn thân như: bơi lội, chạy bộ, tập dưỡng sinh... sẽ tốt hơn”. Trước khi chọn lựa một môn thể thao phù hợp, người tập nên kiểm tra sức khỏe tại các bác sĩ chuyên khoa và tham vấn ý kiến của bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
Ngoài tình trạng sức khỏe và bài tập phù hợp theo đúng trình tự, ông Phan Vĩnh Phúc, huấn luyện viên của một câu lạc bộ thể hình ở quận 1 - TPHCM, cho biết mặt bằng, không khí, ánh sáng, dụng cụ luyện tập cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả tập. Ở phòng tập tại các câu lạc bộ, được kiểm tra thường xuyên nên đã hạn chế ít nhiều đến các chấn thương trong quá trình luyện tập.
Mặt bằng để dụng cụ tuyệt đối không được để nghiêng, vì nếu kê nghiêng khi tập thường xuyên do mất cân đối sẽ dẫn đến lệch vai. Tạ dùng để tập phải đạt tiêu chuẩn về trọng lượng, phải cân đối 2 tay, 2 chân để tránh lệch vai, lệch tay. Người tập ở nhà sẽ không thể nào hiểu những nguyên tắc căn bản nhất trong luyện tập. Tùy theo lứa tuổi và mục đích tập sẽ có những bài tập khác nhau. Những người mập tập thể hình cho cơ thể săn chắc hơn sẽ khác những người ốm tập thể hình để tăng cân.
Ngoài ra, người tập phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Sau mỗi buổi tập, cơ thể thường bị suy kiệt năng lượng, mệt mỏi về cơ nên phải có những bài tập phục hồi thả lỏng để sức khỏe hồi phục. Theo ông Phúc, mỗi gia đình cũng nên có một bộ dụng cụ để tập một cách nhẹ nhàng và hết sức đề phòng các chấn thương thường gặp nhất trong quá trình luyện tập.
Bình luận (0)