Trước đó, do người nhà sơ ý đặt chén nước cơm nóng sát tầm tay cháu, thế là cháu cầm lấy uống luôn và bị phỏng nặng! Dù được cấp cứu kịp thời, nhưng theo bác sĩ điều trị, khi lớn lên vết phỏng có thể để lại sẹo ở thanh-khí quản, khiến L. sẽ nuốt khó, thậm chí không ăn được!
Trường hợp của cháu L. không phải cá biệt. Theo một nghiên cứu do Th.S-B.S Bùi Quốc Thắng, giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y Dược TPHCM, thực hiện từ 1-6-2001 đến 31-5-2002 tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, nguyên nhân thường gặp nhất trong số trẻ ngộ độc là uống nhầm (47,1%), kế đến là tai biến điều trị (33,1%) và tự tử (12,3). Phần lớn trường hợp ngộ độc xảy ra ở trẻ sống trong gia đình kinh tế khó khăn, cha mẹ có trình độ học vấn thấp. Điều đó cho thấy việc trang bị kiến thức chăm sóc trẻ là điều hết sức cần thiết.
Uống nhầm có thể dẫn đến tử vong
Nhiều bậc cha mẹ thường tận dụng vỏ chai nước suối để chứa các loại hóa chất như dầu hôi, nước rửa chén, nước tẩy. Nếu sơ ý để gần tầm tay trẻ thì hậu quả rất đáng tiếc. Lúc 19 giờ ngày 14-9, cháu T.V.T, 22 tháng tuổi, ngụ tại Thủ Đức-TPHCM được người nhà phát hiện uống nhầm dầu hôi đựng trong một vỏ chai nước suối. Trong cơn hốt hoảng, người nhà móc họng để cháu ói ra, kết quả là dầu hôi lọt vào đường thở, khiến cháu càng nặng thêm. Tại BV Nhân dân Gia Định, cháu T. được đặt nội khí quản và chuyển tiếp đến BV Nhi Đồng 2. Mặc dù được cứu chữa tích cực, nhưng do tình trạng quá nặng, chỉ sau một ngày cháu T. đã tử vong.
Nghiên cứu của Th.S-BS Bùi Quốc Thắng ghi nhận trẻ nam thường uống nhầm nhiều hơn trẻ nữ. Đơn giản vì trẻ nam tinh nghịch, hiếu động, hay phá phách. Đó cũng là một lưu ý khi chăm sóc trẻ.
Hai ngày một ca hóc đồng kim loại!
9 lưu ý cần nhớ khi chăm sóc trẻ
1. Luôn để mắt tới trẻ.
2. Không cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ lọt vào tai, mũi, miệng.
3. Không cho trẻ chơi những đồ sắc nhọn, đồ chơi mang tính bạo lực vì như thế trẻ rất dễ chấn thương.
4. Khi cho trẻ ăn trái cây có hột phải gạn hột ra trước.
5. Không cho trẻ ăn, bú sữa ở tư thế nằm vì rất dễ gây sặc. Thay vào đó nên ẵm trẻ lên.
6. Để xa tầm tay trẻ những chai lọ đựng hóa chất.
7. Không để bao ni-lông gần trẻ vì trẻ có thể lấy bao ni- lông trùm đầu đùa nghịch dẫn đến ngạt thở.
8. Không nên bịt mũi buộc trẻ uống thuốc vì như thế rất dễ gây sặc.
9. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như thở gấp, tím tái, la khóc... nên đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế gần nhất.
Đại Ngọc (Tổng hợp lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa) |
Thủng màng nhĩ, hoại tử ngón tay... từ những vật bình thường
Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1 BV Nhi Đồng 2, cho biết thời gian qua BV lại gặp khá nhiều ca trẻ chấn thương cổ họng, mũi, lỗ tai do chơi đùa với những đồ chơi mang tính bạo lực như dao găm, côn nhị khúc, mũi tên, súng có đạn bằng kim khí... Ngay cả những đồ vật rất bình thường, nhưng nếu để gần tầm tay trẻ cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường. BV từng tiếp nhận một bé gái tự lấy bông ngoáy tai thọc vào tai làm thủng màng nhĩ. Một bé khác lại lấy dây thun cột vào ngón tay. Khi được phát hiện, ngón tay cháu đã... bị hoại tử! Kiểu tai nạn này thường bắt nguồn từ việc người lớn thiếu quan tâm đến con cái. Thấy trẻ chơi đùa như thế nào cũng bỏ mặc, mà không biết đồ chơi hay vật dụng có thể là tác nhân gây nguy hiểm.
Trẻ em cũng bị stress
Ngày nay nhiều cha mẹ bận rộn với công việc nên ít có thời gian dành cho trẻ. Nhiều gia đình đưa trẻ đến khám bệnh với lý do sao con tôi cứ ôm khư khư cái áo này, ngồi một chỗ mà không chơi đùa... Bác sĩ Nhơn cho biết đó là biểu hiện stress ở trẻ do nhớ cha mẹ. Trường hợp này, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có xu hướng xa cha mẹ, không giao tiếp với thế giới xung quanh và có thể mắc những bệnh tâm thần. Nhưng nếu được quan tâm và chăm sóc không đúng cách, trẻ cũng có thể mắc bệnh.
Bác sĩ Nhơn đã gặp một trường hợp trẻ cận thị nặng vì người nhà cho xem quảng cáo T.V thoải mái. Người mẹ kể, do thấy con thích xem quảng cáo, nên chị đã mua ngay một băng hình toàn chương trình quảng cáo. Trong 3 năm trời, mỗi khi muốn trẻ ăn ngoan hay không phá phách để chị yên tâm làm việc, chị lại bật băng hình quảng cáo cho con xem. Lâu ngày, trẻ bị tật khúc xạ mắt, đến khi phát hiện thì trẻ đã cận đến... 8 độ!
Trẻ tử vong trước nhập viện: 75,6% do cha mẹ thiếu hiểu biết Đó là kết quả của một nghiên cứu do Th.S-BS Bùi Quốc Thắng thực hiện trong 2 năm 2001 và 2002 tại BV Nhi Đồng 1. Trong 74 trường hợp tử vong trước khi đến Khoa Cấp cứu của BV, tác giả ghi nhận trẻ nhỏ dưới 12 tháng chiếm 65,6%, đặc biệt là trẻ sơ sinh chiếm đến 37,8%. Phân tích cho thấy 75,6% trường hợp cha mẹ không biết trẻ bệnh nặng hay dấu hiệu cấp cứu, nên giữ trẻ tại nhà để theo dõi. Khoảng 94% cha mẹ chỉ học đến cấp 2 và 98% lao động tay chân, nên không đủ kiến thức chăm sóc trẻ và không có thời gian theo dõi sát sao khi trẻ bệnh. Cũng đáng lưu ý là đa số nhân viên y tế theo trẻ khi chuyển viện là y tá hoặc nữ hộ sinh (33/37 ca chuyển viện), nên khả năng cũng như kiến thức xử trí cấp cứu hồi sức chưa đạt yêu cầu, do đó khi trẻ trở nặng trên đường chuyển viện đã không được xử trí tích cực và hoàn hảo. K.Y |
Bình luận (0)