Dù được can thiệp y học khá nhiều nhưng những năm đầu đời của bé Ng.Thy (6 tuổi) vẫn là một chặng đường dài đối với cha mẹ và chính bản thân bé. Bị sứt môi và hở vòm (hở hàm ếch) toàn phần bẩm sinh, từ khi còn là đứa bé sơ sinh, Thy đã không thể bú mẹ bình thường như những đứa trẻ khác. Nhờ sự kiên trì của cha mẹ và thầy thuốc cũng như nghị lực của chính cô bé, sau khi trải qua 2 cuộc phẫu thuật lúc 1 tuổi và 4 tuổi để được can thiệp về khả năng bú và nói, đến nay Thy đã vào lớp 1, hoàn toàn hòa nhập được như trẻ bình thường và còn là một học sinh giỏi.
Nguyên nhân chưa rõ ràng
Theo các nghiên cứu trên thế giới, tật sứt môi - hở vòm khá cao ở nhóm người Mỹ gốc Ấn, người Nhật, Trung Quốc và thấp nhất ở nhóm người da đen. Tỉ lệ mắc dị tật vào khoảng 1/1.000 đến 1/1.200 tại các nước trong khu vực. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2000-2005 của tác giả Phan Quốc Dũng tại các bệnh viện (BV) Từ Dũ, Hùng Vương, tỉ lệ này là 1/700 - mức cao. Những thông tin trên được BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt và Phẫu thuật tạo hình BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), đưa ra hôm 4-3 tại buổi sơ kết chương trình phẫu thuật sứt môi - hở vòm miễn phí do BV này phối hợp với Tổ chức Smile Train thực hiện với 2.069 ca đã được mổ trong những năm 2009-2013.
BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, phân tích: “Môi, vòm khẩu cái cứng và mềm là một cấu trúc của hàm mặt, tổ chức này có 2 phần đối xứng nhau trên phôi học, sẽ đóng kín từ tuần thứ 5, hoàn chỉnh vào tuần thứ 12 của thai kỳ. Những trường hợp bị dị tật, môi và vòm không đóng kín sẽ gây rối loạn chức năng và một số bệnh ở vùng tai - mũi - họng, ảnh hưởng sức khỏe và khiến trẻ tự ti, khó hòa nhập. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân của dị tật này khá đa dạng: yếu tố di truyền; bệnh lý của mẹ lúc mang thai (như tiểu đường, nhiễm siêu vi); tác động của thuốc mẹ dùng trong thai kỳ như thalidomide, cồn ethanol, chất phenyltoine…; thiếu vitamin B9 khiến sự hình thành các tế bào mới không được chuẩn; cùng nhiều nguyên nhân liên quan đến môi trường chưa rõ ràng khác”.
Cần được phẫu thuật sớm
BS Sơn cho biết thêm tật sứt môi - hở vòm có thể gây ra vô số vấn đề ở trẻ: khó bú, bú bị sặc, không nuốt được; khó phát âm, nói ngọng, không nói rõ khi trẻ tập nói; dễ bị viêm xoang mũi; dễ bị bệnh lý tai giữa, nhất là bệnh viêm tai tiết dịch, gặp ở 80% trẻ bị hở vòm, khiến trẻ nghe không rõ, từ đó không nói được và dẫn đến câm điếc nếu không được can thiệp kịp thời. Những trẻ này cần được bú và nuôi ăn đúng cách từ khi mới sinh để không bị thiếu dinh dưỡng; vá môi, vá vòm càng sớm càng tốt để trẻ bú được, nói tốt; khám phát hiện định kỳ để điều trị kịp thời bệnh lý mũi xoang; tư vấn cho cha mẹ ngay khi trẻ sinh ra, theo dõi và điều trị các bệnh lý tai giữa định kỳ để đặt ống thông màng nhĩ, tránh bị viêm tai giữa ứ dịch… BS Sơn đặc biệt lưu ý phụ huynh nên theo dõi khả năng nghe của trẻ, đưa trẻ đi khám sớm nếu có dấu hiệu nghe không rõ để được cấy điện ốc tai hoặc có các biện pháp xử lý phù hợp khác nhằm ngăn ngừa tình trạng câm điếc vì không nghe được.
Theo BS Nguyễn Văn Đẩu, thời gian phẫu thuật can thiệp lần đầu tốt nhất cho trẻ sứt môi là 3 tháng tuổi, hở vòm là 1 năm tuổi. Ở độ tuổi ấy, trẻ đã đủ cân nặng, sức khỏe, các cấu trúc đã đủ nét để bước vào ca phẫu thuật. Độ tuổi ấy cũng đủ sớm để giúp trẻ có thể ăn uống, phát triển ngôn ngữ bình thường hơn. Càng phẫu thuật trễ, những ảnh hưởng của dị tật đối với sự phát triển của trẻ sẽ càng nặng, nhất là về mặt giao tiếp và ngôn ngữ, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học tập sau này.
Thành lập CLB Nụ cười trẻ thơ
Tại lễ sơ kết, BV Nhi Đồng 1 cũng thành lập CLB Nụ cười trẻ thơ với nhiều nội dung sinh hoạt nhằm kết nối giữa các bác sĩ chuyên khoa, giữa bác sĩ và gia đình, giữa các gia đình với nhau, hướng tới điều trị toàn diện, liên tục, lâu dài, phối hợp đa chuyên khoa cho các bệnh nhi bị dị tật. CLB có sự tham gia của nhiều gia đình đã và đang có con phải điều trị sứt môi - hở vòm; các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa như răng hàm mặt, tai mũi họng, gây mê hồi sức, tâm lý, ngôn ngữ trị liệu...
Bình luận (0)