Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh báo, 75% trẻ chậm nói không biết rõ nguyên nhân mắc bệnh nhưng có hoàn cảnh giống nhau như cha mẹ ít trò chuyện cùng con, trẻ thường xem TV một mình. Phần lớn trẻ là con của các cặp vợ chồng đam mê công việc.
Khi cha mẹ không làm bạn cùng con
Đem một bộ đồ chơi ra và hướng dẫn cho bé P., 6 tuổi, cách thực hiện, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh bắt đầu “khám bệnh”.
“Cho bác sĩ hỏi con đang làm gì vậy?”. “Cắt”. “Con cắt cái gì vậy?”. “Con mực”. Sau đó, bác sĩ yêu cầu bé P. liệt kê lại những việc đã làm từ sáng đến tối, nhưng cháu im lặng và chỉ nhắc được mỗi chuyện đánh răng. Bác sĩ Ngọc Thanh chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn ngôn ngữ, chỉ nói được vài từ đơn giản như trẻ hai tuổi, không biết khái niệm về không gian, thời gian...
Mẹ của bé P. kể: “Công việc lu bu quá, việc chăm sóc con phải nhờ người giúp việc nên tôi cũng ít trò chuỵên cùng con. Gia đình phát hiện cháu chậm nói khi nộp hồ sơ đăng ký vào lớp một; vì thấy những trẻ cùng lứa tuổi đã giao tiếp rất tốt rồi”.
Cha mẹ cần dành thời gian chơi và trò chuyện với con. Ảnh: Trung Kiên
Theo chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ mắc bệnh này bẩm sinh thường do cấu trúc thần kinh như điếc, hội chứng down, bại não, sinh non, sinh ngạt, thai phụ mắc bệnh, tinh trùng không tốt do bố hút thuốc lá nhiều, nghiện rượu…; với những trẻ bình thường có thể do môi trường ô nhiễm, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu iốt. Nhưng nguyên nhân chính là trẻ ít hoặc không được giao tiếp với gia đình, xã hội, suốt ngày chỉ xem TV, người chăm sóc trẻ bị căng thẳng, trầm cảm, không vui vẻ. Nguyên nhân này khiến trẻ bị thụ động, chỉ học từ ngữ thông qua một chiều, lâu ngày sẽ không diễn đạt được ngôn từ muốn nói.
Nên phát hiện và điều trị trước ba tuổi
Theo các bác sĩ, một trẻ bình thường khi gần ba tuổi sẽ thuộc được vài chục bài hát và đến năm tuổi, bộ não đã hoàn chỉnh về ngôn ngữ. Do đó, những trẻ đến 6 tuổi vẫn giao tiếp kém thì không nên cho đi học lớp một. Phụ huynh phải chấp nhận cho con học trễ hơn để điều trị chứng chậm nói, hoặc cho theo học ở các lớp chuyên biệt về rối loạn ngôn ngữ. Sau một thời gian, khả năng ngôn ngữ của trẻ trở lại bình thường, lúc đó mới chuyển sang các lớp học phổ thông để trẻ dễ hòa nhập với cộng đồng. Nếu bắt con phải vào lớp một đúng tuổi cho bằng được, trẻ sẽ học không tốt vì chưa biểu lộ được ngôn ngữ, khó tránh khỏi bị cha mẹ, thầy cô la rầy, bạn bè phân biệt.
Theo bác sĩ Ngọc Thanh, nếu các dấu hiệu chậm phát triển không được phát hiện và can thiệp sớm trước ba tuổi, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi đến tuổi đi học. Với trẻ, tình thương là món quà quan trọng nhất, cha mẹ nên cùng con vui chơi, ca hát, đọc sách, trò chuyện, trao đổi cảm xúc, lắng nghe những bức xúc của trẻ, dạy cho trẻ kỹ năng, thích nghi với những khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, để giúp con phát triển tốt về tâm lý, cần cho ăn uống đầy đủ các chất hợp lý theo lứa tuổi và theo sở thích của trẻ.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa tâm lý nếu phát hiện trẻ không thể thực hiện được các yêu cầu trong giao tiếp (vỗ tay, đi đến cửa, ngồi xuống, biết so sánh), khi vận động (đứng được một chân trong 5 giây, vẽ được hình chữ thập, vuông, tam giác theo mẫu), không biết phân biệt màu sắc, tự phục vụ trong ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo, tự nói họ tên, tuổi, giới tính…
Bình luận (0)