Theo thạc sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), thời gian gần đây có nhiều trẻ phải nhập viện do ngộ độc hóa chất nặng, đặc biệt là các chất bay hơi. Phần lớn những ca này xuất phát từ việc trẻ uống nhầm hoặc bị người lớn cho uống nhầm các chất độc hại này.
Nhầm vì chai cùng màu
Chỉ riêng trong ngày 24-9, có đến hai trường hợp ngộ độc hóa chất được chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 do uống nhầm dầu hôi do người nhà đựng trong vỏ chai nước suối.
Trường hợp thứ nhất là bé trai L., 2 tuổi. Cha của bé đem theo đến bệnh viện một vỏ chai nước suối 2 lít đựng dầu còn khá đầy cho bác sĩ xem. Ông kể trong lúc chơi đùa, khát nước, L. vơ lấy chai dầu hôi ở góc nhà, uống được một hớp thấy khó chịu nên L. khóc.
Lúc đó gia đình mới biết và đưa đi cấp cứu. Trường hợp thứ hai là bé gái 1 tuổi chuyển từ tỉnh Lâm Đồng đến do viêm phổi quá nặng. ‘‘Viêm phổi do ngộ độc hóa chất bay hơi thường rất khó điều trị vì hóa chất xâm nhập hầu hết các phế nang, làm tổn thương lan rộng’’ – một bác sĩ giải thích.
Trước đó không lâu, một bé trai 6 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị do uống nhầm acetone (nước rửa móng tay), dẫn đến viêm phổi rất nặng. Sở dĩ có sự nhầm lẫn tai hại này là do chị của bé cất chai nước suối (bên trong đựng acetone) trong tủ lạnh. Dù chai đựng acetone được để tách biệt với khu vực các chai nước uống nhưng lại cùng có màu trong suốt nên cậu bé uống nhầm.
Một bệnh nhi đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) vì ngộ độc hóa chất
Trong một số trường hợp, trẻ bị ngộ độc hóa chất do chính người lớn rót cho uống. Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, kể lại một trường hợp ngộ độc hóa chất rất đáng tiếc vừa xảy ra cách đây hơn một tháng.
Bé trai 18 tháng tuổi bị chính bà nội cho uống nhầm xăng thơm đựng trong chai nhựa màu xanh lá cây khá đục, không thể nhận biết màu sắc nước bên trong. Ông của bé là thợ sửa đồng hồ nên thường mua xăng thơm. Các bác sĩ ở khoa vẫn còn nhớ câu nói đầy dằn vặt của người ông lúc đưa cháu vào viện: ‘‘Tôi đã cất rất kỹ ở một ngăn kệ trên cao, đặt trên gác nhưng không ngờ hôm ấy, vợ tôi tưởng là chai trà xanh nên rót cho cháu uống...’’.
Đứa bé được đưa vào cấp cứu trong tình trạng tím tái, ho liên tục, đặt nội khí quản thì thấy xuất hiện dấu hiệu tổn thương phổi. Mọi nỗ lực của các các bác sĩ vẫn không giữ nổi tính mạng của cháu bé.
Tránh tái sử dụng chai nhựa màu
Theo bác sĩ Trần Văn Định, trong những ca trẻ uống nhầm hóa chất được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, có hơn 90% là các loại hóa chất được đựng trong vỏ chai nước. Ngoài ra, phổ biến nữa là xăng, xăng thơm, dầu hôi, nước tro tàu, dầu nhớt... Trong đó, những loại hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone... thường gây tổn thương phổi rất nặng; còn các chất ăn mòn như acid, nước tro tàu... gây viêm loét thực quản và các cơ quan thuộc đường tiêu hóa.
Cũng theo bác sĩ Định, cách tốt nhất để phòng tránh sự nhầm lẫn nguy hiểm đã nêu là không sử dụng lại những chai nước uống để đựng hóa chất. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em, tốt nhất là có ngăn tủ riêng, khóa lại. Đặc biệt, nên tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng các chất nói trên.
Không được gây nôn
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân khuyến cáo: Khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, nhất là hóa chất bay hơi, người lớn không được gây nôn cho trẻ. Suy nghĩ nếu nôn ra thì sẽ hết ngộ độc là hoàn toàn sai lầm, vì trẻ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc. Cách xử lý tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Nếu trẻ đang ho thì tuyệt đối không được cho uống nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, mặt mũi và cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất... |
Bình luận (0)