Sáng 14-7, Vụ Pháp chế và Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo về "Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp" nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý liên quan đến Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) mỹ phẩm.
Hoạt động này nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01-01-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2020.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người dân ngày càng cao, các sản phẩm mỹ phẩm là thứ không thể thiếu của mỗi gia đình. Mỹ phẩm bao gồm chủ yếu các sản phẩm vệ sinh cá nhân thiết yếu phục vụ cho việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân hàng ngày như dầu gội, kem đánh răng, nước rửa tay...
Theo một số liệu thống kê cho thấy gần đây số người sử dụng mỹ phẩm đã tăng lên 30%, trước nhu cầu sử dụng mỹ phẩm gia tăng thì số lượng mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng nhiều hơn. Đại diện một số doanh nghiệp nêu đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu xem xét ban hành quy định cắt giảm yêu cầu CFS trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành mỹ phẩm. Triển khai công tác quản lý mạnh hơn theo hướng hậu kiểm để bảo đảm sản phẩm thực tế bán trên thị trường an toàn cho người sử dụng, tập trung hậu kiểm vào nhóm có thể gây mất an toàn cao hơn. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn và chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về một số tác động chính sách CFS với mỹ phẩm, bà Trần Thị Xuân Hằng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Mỗi nước có một mẫu CFS khác nhau, một số quốc gia không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có thông tin công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Một số mẫu CFS không có tên, chữ ký cũng như dấu của cơ quan, tổ chức CFS. Quy định này là một bất cập hiện nay của các doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xin cấp CFS để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cảnh báo việc không có giấy chứng nhận CFS có thể tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do vậy, chuyên viên Vụ Pháp chế cũng dự đoán "khả năng sẽ phát sinh chi phí để khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng". Ngoài ra, việc bãi bỏ CFS trong hồ sơ công bố mỹ phẩm mà không có tài liệu nào chứng minh sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp kiểm tra đánh giá của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại đất nước đó sẽ rất khó bảo đảm chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu...
Bình luận (0)