Các bác sĩ (BS) cảnh báo nếu nhức đầu lâu dài mà cứ cố giải quyết tạm thời bằng thuốc giảm đau, không những bệnh không hết mà còn hại gan, thận.
Người lớn, trẻ nhỏ đều bị
Suốt gần 2 tháng, ông T.Q.C (54 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) liên tục phải làm bạn với vỉ paracetamol. "Cách đây nửa năm, tôi cũng từng bị một đợt nên nghĩ không sao, chắc tại công việc căng thẳng" - ông C. cho biết. Nhưng lần này càng uống, thuốc càng có vẻ mất tác dụng. Đến một hôm, đồng nghiệp phát hiện ông C. ôm đầu ngồi ngả trên ghế phờ phạc, mặt đỏ tía, đưa đến Bệnh viện (BV) Thống Nhất gần đó khám thì phát hiện huyết áp đã lên tới 180 mmHg. Ông được chẩn đoán cao huyết áp, phải uống thuốc hằng ngày.
Còn con gái 10 tuổi của chị Trần Diễm T. (39 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) thì bị cơn nhức đầu hành hạ suốt 1 tháng. "Ban đầu uống thuốc giảm đau có đỡ nhưng sau đó càng ngày càng nặng" - chị T. kể. Kết quả khám ở một BV nhi cho thấy cháu bé bị viêm xoang nhưng người mẹ cứ ngỡ bấy lâu con sụt sịt chỉ vì chứng viêm mũi dị ứng từ nhỏ. Đến khi đi khám thì xoang đã viêm nặng, may là bé đã đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh nên không phải chọc xoang.
Theo BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Thống Nhất, ngoài những cơn nhức đầu ngắn do mệt mỏi, căng thẳng, nhức đầu còn có thể là triệu chứng của khá nhiều bệnh. Đầu tiên có thể kể đến bệnh tăng huyết áp như trường hợp ông C. nói trên, một căn bệnh khá phổ biến ở người trung, cao niên. Đây là một bệnh mạn tính nên phải được BS khám và kê toa, uống thuốc đều đặn. Uống tạm thuốc giảm đau đương nhiên không thể giúp giải quyết tình hình.
"Ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân như viêm xoang, rối loạn điều tiết ở mắt, đau nửa đầu Migrain (đau đầu vận mạnh), nguy hiểm hơn là phình mạch máu não và u não" - BS Anh Vũ cho biết.
Thỉnh thoảng nhức đầu một lần thì có thể uống thuốc giảm đau. Nhưng nhức đầu kéo dài, uống thuốc giảm đau không có hiệu quả thì cần đi bác sĩ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trẻ nhỏ cũng có thể gặp những cơn nhức đầu dai dẳng. Ở trẻ em, phổ biến nhất là do áp lực của việc học hoặc chơi điện thoại, xem tivi quá nhiều. Cơn nhức đầu khi ấy vừa do tâm lý căng thẳng, vừa là dấu hiệu báo động cơ thể đã quá sức chịu đựng, cần được nghỉ ngơi.
Trẻ em cũng có thể nhức đầu vì phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não như người lớn, đó là dạng nhức đầu nguy hiểm nhất. Tình trạng đó là bẩm sinh, như một "quả bom nổ chậm", bệnh nhân có thể sống chung với nó nhiều năm trời nhưng một ngày nào đó mạch máu bỗng tắc nghẽn rồi đột quỵ. Nhiều trường hợp có dấu hiệu báo trước ít ngày, dấu hiệu dễ thấy nhất chính là cơn nhức đầu.
Không cầm cự bằng thuốc giảm đau
BS Nguyễn Minh Tiến cho biết nhức đầu do các nguyên nhân kể trên thì việc uống thuốc giảm đau chỉ có hiệu quả tạm thời, rất ít hoặc trong một số trường hợp gần như không có hiệu quả. Nếu chỉ nhức đầu vì căng thẳng tâm lý thì dùng thuốc sẽ có hiệu quả nhưng sau đó nếu không nghỉ ngơi đủ thì cơn nhức đầu sẽ trở lại.
Nên lưu ý là paracetamol - loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến hay được dùng khi nhức đầu - tuy khá an toàn nhưng sẽ nguy hiểm nếu bé bị cho uống quá liều (ví dụ dùng thuốc của người lớn thay vì dùng viên dành cho trẻ em). Chưa kể, lạm dụng thuốc giảm đau có thể làm che mờ triệu chứng của căn bệnh thật sự, khiến bệnh nặng thêm do việc đi khám và điều trị đã bị trì hoãn. Paracetamol chỉ là thuốc trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân gây nhức đầu thực sự.
Theo các BS, cho dù gặp vấn đề nào trong các căn bệnh gây nhức đầu nêu trên hay đơn giản là nhức đầu đôi lần do căng thẳng tâm lý, công việc… thì khoan dùng thuốc, mà hãy điều chỉnh lối sống, sự thay đổi này đôi khi cũng sẽ giảm được những cơn nhức đầu khó chịu. Những điều chỉnh lối sống có thể kể như: giảm rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác; duy trì tập thể dục đều đặn, vừa sức; ăn nhiều rau xanh, trái cây; bổ sung các vitamin cần thiết nếu thiếu hụt…
"Thỉnh thoảng nhức đầu một lần thì có thể uống thuốc giảm đau. Nhưng nhức đầu kéo dài, lặp lại nhiều lần, nhức đầu quá mức, uống thuốc giảm đau mà thấy không có hiệu quả thì nhất thiết phải đến BS để được khám, chẩn đoán và điều trị" - BS Trương Quang Anh Vũ nhấn mạnh.
Bình luận (0)