"Bác sĩ Lê Quang Mỹ (SN 1988) - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) - là ân nhân của gia đình tôi và cũng là người cho con tôi một cuộc đời mới". Đó là chia sẻ của chị Hnhua Hwing (ngụ Đắk Lắk) - mẹ của bé trai 11 tuổi, mắc bệnh não úng thủy, vừa được phẫu thuật.
Hồi sinh những "thiên thần nhỏ"
Chị Hwing cho biết con của chị bị não úng thủy từ khi sinh ra và đã được phẫu thuật cách đây 10 năm. Gần đây, ống dẫn lưu bị tắc khiến bé nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Lo lắng nhưng chưa đủ tiền cho con đi viện thăm khám, chị Hwing tìm thông tin trên các trang mạng mong sẽ có cách xử lý tạm thời cho con. May mắn, chị biết đến trang "Bác sĩ bé đầu bự" của bác sĩ Mỹ trên Facebook và nhắn tin hỏi về tình trạng của con với hy vọng mong manh. Chị đã được bác sĩ phản hồi ngay và khuyên chị cho con nhập viện sớm vì trễ có thể không cứu được.
Sau ca phẫu thuật lần 2, sức khỏe con trai chị Hwing tiến triển tốt và sẽ sớm được xuất viện. "Khi mổ xong, tôi được bác sĩ Mỹ tận tình hướng dẫn đến Phòng Công tác xã hội và khu bảo trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện để được giúp đỡ viện phí" - chị Hwing cho hay.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ thăm khám sau phẫu thuật cho con chị Hwing
Nghe chị Hwing chia sẻ về sự tận tâm với người bệnh của bác sĩ Mỹ, anh N.T.V (40 tuổi) cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với người bác sĩ trẻ. Anh V. cho biết con anh vô tình bị điện thoại rơi trúng đầu khiến bé bị chấn thương sọ não nguy kịch. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và cuộc phẫu thuật được thực hiện ngay trong đêm. Bác sĩ Mỹ cùng ê-kíp đã rất vất vả vì ca bệnh phức tạp do bé mới 3 tháng tuổi, vết thương nặng - vỡ sọ, mất máu, rối loạn đông máu… Có những lúc tưởng như không còn hy vọng nhưng với sự nỗ lực tới cùng, ê-kíp mổ đã giúp con anh được hồi sinh.
Đó chỉ là 2 trường hợp mới nhất trong trong hàng trăm ca bệnh đã được bác sĩ Lê Quang Mỹ cùng đồng nghiệp cứu sống tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ Mỹ cho biết trong 8 năm gắn bó, anh và ê-kíp đã thực hiện 500 ca mổ với nhiều tình huống khác nhau. Chứng kiến lằn ranh sinh tử của các thiên thần nhỏ, anh cùng đồng nghiệp luôn cố gắng trau dồi và không ngừng học hỏi để đem lại sự sống cho bệnh nhi.
"Có những khoảng thời gian ca bệnh liên tiếp, mệt mỏi sau ca trực đêm nhưng tôi cũng như đồng nghiệp vẫn không từ bỏ dù hy vọng mong manh. Chỉ cần người bệnh được hồi sinh thì mọi khó khăn, mệt nhọc đều tan biến" - bác sĩ Mỹ tâm sự.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ cho biết Khoa Ngoại thần kinh tiếp nhận nhiều dạng bệnh khác nhau như: chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não, u não, dị tật cột sống, các biến dạng về dính khớp sọ... Do đó, các bác sĩ ở khoa phải đa năng trong phẫu thuật. "Riêng tôi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương nên lựa chọn chuyên sâu điều trị trẻ mắc bệnh não úng thủy để giúp các bé. Gắn bó với những đứa trẻ "đầu bự" nên mọi người cũng thường gọi tôi là "bác sĩ bé đầu bự" - bác sĩ Mỹ chia sẻ.
Khát vọng vì cộng đồng
Bác sĩ Lê Quang Mỹ cho biết mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám, điều trị bệnh não úng thủy. Trẻ mắc bệnh não úng thủy thường phải chịu những di chứng nặng nề. Bệnh có 2 nhóm nguyên nhân bẩm sinh và thứ phát. Trẻ mắc bệnh do bẩm sinh có thể phát hiện trong thai kỳ hoặc sau khi chào đời. Còn nhóm thứ phát xuất hiện khi trẻ bị u não, lao màng não, viêm não hoặc chấn thương sọ não...
Nhắc lại cơ duyên đến với chuyên ngành điều trị cho trẻ mắc não úng thủy, bác sĩ Mỹ luôn cho rằng điều này như một giấc mơ. Bởi mọi thứ đến với anh theo sự sắp đặt sẵn mà bản thân không hề có sự chuẩn bị nào, ngay cả khi anh theo nghiệp bác sĩ.
"Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành bác sĩ. Bởi sinh ra và lớn lên ở miền quê Đắk Lắk, thời điểm đó, thông tin định hướng tuyển sinh về nghề đối với tôi còn mơ hồ. Người thân thấy tôi có học lực tốt nên khi thi đại học đã khuyên nộp hồ sơ vào trường y. Tôi chọn 2 chuyên ngành khác nhau để thi là ngành y và điện tử viễn thông và đậu cả 2. Do bản thân chưa từng nghĩ sẽ trở thành bác sĩ khiến tôi và gia đình phải đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng, ba mẹ hỏi tất cả họ hàng để nhờ đưa ra lời khuyên và tôi chọn theo ngành y như tư vấn của người thân" - bác sĩ Mỹ kể và luôn nhớ đến câu nói của đấng sinh thành khi anh theo nghề y: "Ba mẹ không sợ nghèo, chỉ sợ con hư".
Là người yêu thích trẻ con nên sau 6 năm miệt mài đèn sách ở Trường Đại học Y Dược TP HCM, bác sĩ Lê Quang Mỹ đã thi tuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 để làm việc. Tại đây, sau 2 năm làm việc, anh có cơ hội đi nước ngoài để nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, thay vì chọn đi các nước có nền y khoa phát triển, bác sĩ Mỹ lại chọn con đường khó khăn hơn: đến châu Phi để học tập cách chăm sóc, điều trị cho trẻ não úng thủy. Chính lựa chọn này của anh đã giúp được nhiều trẻ em "đầu bự" ở Việt Nam.
"Ban đầu, tôi cũng phân vân vì ở châu Phi điều kiện y tế còn lạc hậu hơn nước mình rất nhiều. Tuy nhiên, đến nơi, tôi nhận ra mình đã chọn đúng, vì nơi đây có thứ mình cần. Bởi tỉ lệ trẻ mắc bệnh não úng thủy ở châu Phi rất nhiều. Đây là cơ hội để tôi được tiếp xúc, va chạm với nhiều ca bệnh khác nhau, từ đó có thêm nhiều kinh nghiệm để khi trở về Việt Nam có thể mang lại cơ hội sống cho trẻ không may" - bác sĩ Mỹ trải lòng.
Bác sĩ Mỹ tiết lộ thời gian học ở Uganda (châu Phi), anh nhận ra điều kiện y tế của họ còn lạc hậu nhưng việc chăm sóc toàn diện cho trẻ mắc bệnh não úng thủy rất tốt. Đây là điều khiến anh trăn trở khi quay về Việt Nam. Nhiều phụ huynh biết con mắc căn bệnh này dường như tuyệt vọng vì nghĩ không thể cứu chữa do thiếu thông tin. Vì vậy, anh đã tự lập một fanpage trên Facebook với tên gọi "Bác sĩ bé đầu bự" nhằm tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ cách phát hiện, phòng ngừa hoặc chăm sóc trẻ mắc não úng thủy.
"Điều trị não úng thủy có 2 phương pháp là can thiệp mổ nội soi và đặt ống dẫn lưu. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp, tối ưu. Căn bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị đúng giai đoạn, các bé có thể phát triển hòa nhập như bao trẻ khác. Tuy nhiên, có những trường hợp chất lượng sống còn phụ thuộc bệnh lý kèm theo, nếu kiểm soát tốt, trẻ vẫn có thể phát triển bình thường. Do đó, điều quyết định để một ca bệnh não úng thủy thành công phải toàn diện - từ nhận biết bệnh, điều trị ra sao, sau điều trị sẽ chăm sóc trẻ thế nào…" - bác sĩ Mỹ phân tích.
Tình người không biên giới
Nhắc đến kỷ niệm trong quá trình điều trị cho trẻ, bác sĩ Mỹ không thể nào quên ca phẫu thuật cho bệnh nhi người Campuchia (12 tuổi) bị não úng thủy do lao màng não. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi chỉ nằm một chỗ, không có sức sống, trong khi cha mẹ em gần như hoàn toàn tuyệt vọng.
Sau khi thăm khám, tiên lượng tình trạng nặng nên cha mẹ em muốn đưa con về nhà. Bác sĩ Mỹ cố gắng thuyết phục nên gia đình đã đồng ý ở lại tiếp tục điều trị cho con. Tuy nhiên, bệnh nhi và gia đình không biết tiếng Việt nên mỗi lần thăm khám khá khó khăn vì phải nhờ người phiên dịch. Bệnh nhi trải qua 4 lần phẫu thuật, sức khỏe mới ổn định. Lúc này, cha mẹ của em cũng cạn kiệt tài chính. Bác sĩ Mỹ cùng đồng nghiệp trong khoa đã kêu gọi và liên hệ Phòng Công tác xã hội tại bệnh viện hỗ trợ em về quê.
"Dù xuất viện nhưng tôi không an tâm vì bệnh nhi cần được theo dõi sát sao. Do đó, tôi đã tìm cách liên lạc với cha mẹ em để hỗ trợ điều trị từ xa. Hiện em đã khỏe mạnh và có thể đi học cùng các bạn" - bác sĩ Mỹ kể.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2
Bình luận (0)