Một ngày của PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng khá tất bật khi ông đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc với vai trò Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 (TP HCM).
Tầm sư học đạo
Từ khi còn là sinh viên cho đến lúc trở thành BS chuyên khoa ngoại thần kinh, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng đã nghe giảng và đọc rất nhiều tài liệu về các trung tâm thần kinh trên bề mặt vỏ não, các đường dẫn truyền thần kinh dưới vỏ não… Thế nhưng, ông chưa bao giờ nhìn thấy được phẫu tích não trên người hiến xác hoặc trong lúc mổ. Mọi thứ đều được ghi nhớ và tự dựng hình 3D.
"Làm sao có thể tránh và bảo tồn các cấu trúc thần kinh này trong lúc mổ? Với một trung tâm lớn như Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân Dân 115 với 2.400 ca mổ/năm, phải tìm cách nào để hiển thị các cấu trúc này trong mổ, góp phần quyết định chất lượng điều trị?"... Hàng loạt suy tư, trăn trở cứ luôn thôi thúc trong đầu BS Thắng, kể cả trong giấc ngủ.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân Dân 115
Một ngày, ông trình bày suy nghĩ này với ban giám đốc BV và được "bật đèn xanh". Từ đây, ông đã liên hệ với Viện - Trường Aurora Medical Center, TP Milwaukee, bang Wisconsin - Mỹ và 3 lần đến kiến tập, thực hành trên người hiến xác các hoạt động phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive vào các năm 2017, 2018 và 2019. Ấn tượng nhất trong các chuyến đi đó là việc sử dụng robot và mổ tỉnh cho hầu hết các ca phẫu thuật u não, xuất huyết não… tại Aurora Medical Center, được điều hành bởi giáo sư Amin Kassam, Phó Giám đốc trung tâm, tác giả của hệ thống robot.
Đến tháng 2-2019, BS Thắng và các đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u não với hệ thống robot Modus V Synaptive. "Đây được xem là bước đi lịch sử của BV Nhân Dân 115 nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung vì là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công tại châu Á" - giáo sư A. Kassam nhận định sau ca phẫu thuật.
Để đột quỵ không còn "trời kêu ai nấy dạ"
Trong 3 kỷ lục châu Á BV Nhân Dân 115 mới xác lập có kỷ lục tập thể "là BV đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ" mà người góp công lớn mang về là BS Nguyễn Huy Thắng.
Theo BS Thắng, đột quỵ là căn bệnh mà lằn ranh sinh - tử quá sức mong manh, lệ thuộc vào thời gian. Mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não chết đi nếu không được điều trị kịp thời. Ở nước ta, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm. Hàng chục năm công tác, BS Thắng quá thấu hiểu những bất lực cũng như thành công giành lại mạng sống người bệnh tính từng giây.
Từ trăn trở đó, BS Thắng tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để làm sao điều trị đột quỵ tốt nhất cho người bệnh. Để giải quyết tình trạng này, ông cùng đồng sự góp công thiết kế chương trình Angels - chương trình chăm sóc sức khỏe với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ đã được triển khai tại Việt Nam từ tháng 3-2017 với sự cố vấn chuyên môn của Hội Đột quỵ TP HCM.
Chương trình hướng đến việc tăng số lượng BV sẵn sàng tiếp nhận đột quỵ và tối ưu hóa chất lượng điều trị thông qua việc hỗ trợ các hội chuyên ngành cung cấp thông tin khoa học, hướng dẫn thực hành và các khóa đào tạo chuyên môn cho các y - bác sĩ và nhân viên y tế, giúp họ nâng cao năng lực và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ.
Tại Việt Nam, chương trình Angels cùng Hội Đột quỵ TP HCM đang hợp tác với nhiều BV và các hiệp hội chuyên ngành như Hội Đột quỵ Việt Nam, Hội Đột quỵ TP HCM, Phân hội Cấp cứu Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế để tăng số lượng BV sẵn sàng tiếp nhận đột quỵ.
BS Thắng nhớ lại: Những ngày đầu, bệnh nhân đột quỵ nhập viện khá nhiều nhưng việc điều trị còn nhiều hạn chế, nguy cơ tử vong và tàn phế khá cao. Sự quyết tâm của ban lãnh đạo BV là động lực mạnh mẽ để lĩnh vực đột quỵ bứt phá. BV Nhân Dân 115 quyết định đầu tư cả về nhân lực chuyên sâu lẫn trang thiết bị hiện đại trong điều trị đột quỵ. Đến thời điểm này, Trung tâm Đột quỵ ra đời từ sự kết hợp của các khoa bệnh lý mạch máu não, ngoại thần kinh và chẩn đoán hình ảnh.
Với các phương tiện hiện đại như hiện nay, khả năng bệnh nhân được cứu sống rất cao và giảm bớt những di chứng nặng nề. Thống kê cho thấy gần 90% bệnh nhân đột quỵ được cứu sống. Trong đó, khoảng 50%-60% bệnh nhân có thể tự đi lại sau quá trình tập vật lý trị liệu. Đặc biệt, khoảng 20%-30% bệnh nhân có thể đi lại chỉ sau 2-3 ngày điều trị. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân đột quỵ cũng được rút ngắn từ 12 ngày vào năm 2006 xuống còn 4-5 ngày trong những năm gần đây.
Vui với thành công này, TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân Dân 115, cho biết Trung tâm Đột quỵ đã chuyển giao quy trình điều trị đột quỵ kỹ thuật mới cho gần 90 cơ sở điều trị đột quỵ cả nước.
"Chứng nhận BV đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ" và kỷ lục "BV đầu tiên tại châu Á có trung tâm đột quỵ đạt chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng do Hội Đột quỵ châu Âu xác nhận" là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với BV. "Thành tựu này cũng chứng minh với y tế thế giới rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng triển khai, tiếp thu, sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y tế, giúp BV khẳng định chuyên môn, đồng thời cũng là động lực lớn để tiếp tục phát triển hơn nữa" - BS Phan Văn Báu chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-6
Bình luận (0)