Quá trình mọc 2 răng khôn hàm trên thường diễn ra bình thường. Riêng 2 răng khôn hàm dưới, do ngành lên và ngành ngang xương hàm dưới hẹp, lại bị kích bởi răng số 7 nên quá trình mọc rất phức tạp. Bên cạnh đó, răng khôn hàm dưới hay mọc lệch (chếch lên, xoay ngang, thúc thẳng vào răng số 7, quay vào ngành lên của răng hàm dưới, có khi quay ra phía ngoài hoặc phía trong của xương hàm). Do sự mọc lên của răng khôn hàm dưới và góc hẹp giải phẫu của xương hàm dưới nên việc mọc răng này hay gây ra các biến chứng.
Khi răng khôn mọc, có biểu hiện vùng lợi phía trong răng số 7 đầy lên (mặc dù chưa đau hoặc mới đau), nên đi cơ sở khám răng chụp X-Quang răng số 8 để xác định hướng mọc của răng, tiên lượng việc mọc của răng.
- Nếu răng mọc chính cung (mọc đúng hướng cung răng) gây chèn răng số 7 thì thường bị lợi trùm bám phần răng khôn, do đó hay gây ra viêm lợi và đọng thức ăn, tổn thương lợi trong quá trình nhai. Trong trường hợp này, cứ để cho răng tự mọc. Khi răng mọc lên khỏi mặt lợi mà bị che khuất một phần mặt nhai thì cần đến cơ sở chuyên khoa răng để cắt bỏ lợi trùm, tránh biến chứng sau này.
- Nếu răng mọc lệch cung, tuỳ theo hướng lệch của mặt răng khôn mà người ta gọi là lệch ngoài, lệch trong, lệch 45 - 90o. Răng khôn mọc lệch cung thường có tiên lượng xấu, cần tiến hành nhổ sớm (vì đằng nào cũng nhổ). Nên nhổ ở bệnh viện có chuyên khoa răng để đảm bảo an toàn. Một số cơ sở nha khoa giải quyết biến chứng mọc răng khôn bằng cách nhổ bỏ răng số 7 bên cạnh (vì dễ) là không đúng, vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức nhai của hàm răng mà vẫn không giải quyết được nguyên nhân của các biến chứng sau này do mọc lệch răng khôn.
- Nếu răng khôn mọc lệch ra ngoài có thể gây thủng má; nếu mặt răng khôn lệch 60-90o, sẽ làm xiêu răng số 7; nếu mọc lệch trong sẽ gây tổn thương lợi và hàm. Các trường hợp này cũng phải nhổ bỏ răng khôn.
Bình luận (0)