Theo các chuyên gia công nghệ sinh học, những năm gần đây, nghiên cứu về tế bào gốc ở nước ta có sự phát triển nhưng vẫn còn là lĩnh vực mới và gặp nhiều thách thức trong ứng dụng chăm sóc sức khỏe.
Chỉ ra những tồn tại trong nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, tiến sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho rằng ở Việt Nam, kỹ thuật này đang thiếu một nền tảng khoa học vững chắc và chắp vá. Các thiết bị nghiên cứu bắt đầu lạc hậu làm cho giá thành điều trị quá cao. Nguồn tế bào cho cấy ghép còn thiếu và các kỹ thuật phụ trợ cho ngành tế bào gốc không phát triển đồng bộ. Việc trị liệu dựa vào tế bào gốc cần ít nhất 2 nhóm nhân lực là các nhà khoa học tế bào gốc và các bác sĩ tế bào gốc, tuy nhiên cả hai đang trong tình trạng thiếu và yếu. Hiện cả nước có chưa tới 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc cũng như số lượng bác sĩ tế bào gốc quá ít. Thao tác trên tế bào gốc người chủ yếu mới sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ động vật; không kiểm soát hay kiểm soát không đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho sản phẩm tế bào gốc trước khi ghép vào cơ thể.
Giới chuyên môn cho biết thành tựu trong lĩnh vực tế bào gốc tạo nên những bước tiến lớn của nhân loại, là “bửu bối” giúp điều trị những căn bệnh nan y. Ứng dụng tế bào gốc có thể điều trị khoảng 100 loại bệnh. Ở nước ta, tế bào gốc đã được ứng dụng để điều trị các bệnh lý về máu, ghép tủy, tim, da, thoái hóa khớp... Một số bệnh viện như Đại học Y Dược, Mắt, Vạn Hạnh, 115, Chợ Rẫy... cũng có những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đưa tế bào gốc vào trị liệu. Tuy nhiên, bức tranh chung về tế bào gốc ở nước ta còn nhợt nhạt.
Những giá trị trong ứng dụng tế bào gốc là vô cùng to lớn nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách y tế có nhận rõ thực trạng này và quyết tâm tập trung đầu tư, phát triển một lĩnh vực hiện đại nhưng đang im ắng? Theo giới chuyên môn, một số vấn đề quan trọng chưa có lời đáp cần được giải quyết ngay, đó là: Nhà khoa học nên làm gì để các công trình tế bào gốc của họ được cho ứng dụng lâm sàng? Bác sĩ và bệnh viện cần điều kiện gì để họ được dùng tế bào gốc trong điều trị? Bệnh nhân có nhu cầu điều trị bằng tế bào gốc sẽ được sử dụng loại tế bào này như thế nào? Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm tế bào gốc có được cấp phép không và sẽ hoạt động ra sao?
Rất nhiều câu hỏi sát sườn nhưng không kém gai góc về một lĩnh vực phản ánh tầm cao của ngành y tế nhưng vẫn còn lơ lửng...
Bình luận (0)