Mỗi người có hai quả thận, nằm sau lưng, sát ngay dưới phổi và lồng ngực. Chúng có chức năng lọc máu để thải chất độc, tạo ra nước tiểu, thận còn tiết ra những nội tiết tố để điều hòa lượng nước tiểu và có ảnh hưởng trên huyết áp. Nước tiểu từ thận xuống bàng quang nhờ hai niệu quản và nước tiểu từ bàng quang ra ngoài nhờ niệu đạo.
Đau lưng và có nước tiểu đục: Hãy nghĩ đến bệnh thận
Người bệnh Đông phương thường nghĩ đau lưng là thận có vấn đề. Do không có khái niệm “lưng là thận”, nên những người bị đau lưng ở châu Âu trước hết sẽ đến những thầy thuốc chuyên về bệnh cột sống như thầy thuốc vật lý trị liệu, bác sĩ thần kinh; chứ ít khi đau lưng mà lại đến khám bác sĩ niệu (urology) hay thận (nephrology) đầu tiên.
Đau do thận thường chỉ tưng tức vùng hông lưng phía sau, sát gần xương sườn; đôi khi có sốt. Đặc biệt nếu đau lưng mà nước tiểu đục thì gần như chắc bị bệnh thận. Đau do sỏi niệu quản có khi là cơn đau lăn lộn, đau từ sau lưng “chạy” xuống bộ phận sinh dục; trong khi đó nếu đau lưng sát gần xương chậu, đau khi khom lưng hay khiêng đồ nặng, đau có thể lan xuống mông hay chân cùng bên thì có rất nhiều khả năng là đau do thần kinh tọa, đau trong bệnh cột sống. Đau do rễ thần kinh cũng thường tăng lên sau khi đi xe trên một đoạn đường dài, xóc; sau một ngày lao động mệt nhọc, người bệnh cảm thấy ê ẩm cả lưng.
Phù do thận thường là phù toàn thân
Phù có thể do bệnh thận mà cũng có thể do bệnh gan hay tim, mạch máu... Phù do thận thường là phù toàn thân, từ mí mắt xuống bàn chân và da trắng nhạt. Còn phù do tim thường bệnh nhân tím tái, có bệnh suy tim trước đó. Phù do gan thường chỉ “gom” lại bụng mà thôi, còn tay chân ốm nhom.
Sự thay đổi màu sắc và độ trong của nước tiểu có thể do bệnh tại thận, nơi sản xuất ra nước tiểu, hay tại bàng quang, nơi chứa nước tiểu. Bình thường nước tiểu có màu vàng nhạt (màu của chất urochrome trong nước tiểu), nếu uống nước ít thì nước tiểu sẽ có màu vàng sậm. Đôi khi màu nước tiểu chỉ hơi đùng đục, nhất là buổi sáng, do bị kiềm hóa nhẹ nên các tinh thể phốt-phát dễ đọng lại. Uống nhiều nước hay uống 2 viên Chloramonic buổi tối có thể giúp nước tiểu trong lại. Ngoài ra, màu nước tiểu còn có thể bị vẩn đục do nước tiểu có vi khuẩn, mủ (nhiễm trùng đường tiểu)...
Để biết nguyên nhân của đau lưng, phù, nước tiểu đổi màu... có phải là do bệnh thận gây ra hay không, bác sĩ sẽ khám kỹ bệnh nhân, rồi làm siêu âm, chụp X-quang, thử nước tiểu, soi bàng quang... Tùy nguyên nhân mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Yếu sinh lý: Không phải do suy thận
Trong Tây y, sinh lý yếu không phải do suy thận mà thường do mạch máu đến bộ sinh dục bị hẹp tắc hoặc do thần kinh điều khiển tại chỗ hay trên não bị trục trặc. Chẩn đoán và điều trị yếu sinh lý là một vấn đề tế nhị và phức tạp, thường do các bác sĩ niệu - nam khoa đảm trách. Tại các nước tiên tiến, những thầy thuốc chuyên khoa tình dục hay chuyên khoa gia đình cũng chuyên trách loại “yếu” này.
Bình luận (0)