1. Tin vào mọi điều bạn nghe thấy. Hỏi kinh nghiệm những người xung quanh là điều cần thiết nhưng đôi khi bạn sẽ bị loạn thông tin vì có quá nhiều giải pháp khác nhau cho một thắc mắc. Đừng quá lệ thuộc vào chúng, hãy dùng trực giác và kiến thức của mình để phân định đúng sai. Tự tin lên, bạn biết nhiều hơn bạn nghĩ đấy.
2. Quá mong mỏi được thư giãn. Dù bạn nghỉ việc hằng tuần, hằng tháng hay hằng năm để ở nhà chăm bé thì cũng đừng tưởng đó là kỳ nghỉ thực sự. Bạn đang bắt đầu một công việc hoàn toàn mới mẻ, bận rộn hơn, đòi hỏi nỗ lực hơn, và “sếp” mới của bạn sẽ không cho bạn nghỉ ngơi vào cuối tuần đâu.
3. Hờ hững với chồng. Sau một ngày dài dành cho bé, “quay vào là tã, quay ra là sữa” bạn đã mệt đứt hơi và chỉ mong chồng để cho mình yên. Phản ứng này là dễ hiểu những bạn nên cố gắng vượt qua nó. Nếu chăm sóc bé một mình quá vất vả, hãy thuê người giúp việc và dành ít nhất một tối trong tuần để hâm nóng tình cảm lứa đôi.
4. Mình sao cũng được, em bé mới là chính yếu. Đừng tự biến mình thành một cái máy chăm con. Hãy dành ít nhất nửa giờ mỗi ngày cho những sở thích và thú vui của mình: đọc một cuốn sách hay, thưởng thức một tách trà ngon, tập thể dục hay nói chuyện phiếm với bạn bè. Càng thoải mái bao nhiêu, bạn sẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu.
5. Ôm đồm mọi việc. Các bà mẹ trẻ thường muốn tự mình làm mọi việc cho con và không yên tâm khi nhờ chồng giúp nhưng lại luôn mồm than vãn chồng họ “chẳng được tích sự gì”. Hãy từ bỏ quan niệm sai lầm này. Nên để anh ấy tập làm cha. Đừng vội lo lắng khi anh ấy thay tã chậm hơn, cho ăn kém hơn và giặt giũ không sạch bằng bạn. Rồi bạn sẽ thấy “anh ấy cũng được việc ra phết”.
6. Luôn tồi tệ hóa mọi việc. Khi bé ốm, dù bạn có cuống lên đến mấy thì bé cũng không khỏi bệnh được. Bình tĩnh sẽ giúp bạn tìm ra phương cách chữa trị tốt nhất cho bé. Cuộc sống ngày nay khiến mọi người quen với suy nghĩ rằng họ có thể kiểm soát mọi thứ. Và khi không làm được điều này thì họ đâm ra lo sợ. Hãy chấp nhận thực tế là đôi khi mọi việc không như bạn muốn. Đừng vì thế mà bi quan.
7. So sánh bé với những đứa trẻ khác. Đêm bé có ngủ ngoan không? Bé có hay cười, hay hóng chuyện không? Bé có hay lẫy không? Đừng quá chăm chú vào những chuyện đó và cũng đừng lo con mình chậm phát triển hơn con người khác. Mỗi đứa trẻ có một cơ chế phát triển riêng. Không phải cứ tăng cân nhanh, biết đi, biết nói sớm hơn là thông minh hơn đâu.
8. Không chợp mắt. Các bà mẹ trẻ luôn được khuyên nên tranh thủ chợp mắt mỗi khi bé ngủ nhưng chả mấy ai làm được vậy. Hậu quả là họ thường xuyên không tỉnh táo, hay làm đổ vỡ. Trong năm đầu làm mẹ, ước tính mỗi người thiếu khoảng 400 đến 700 giờ ngủ. Vì vậy, hãy cố chợp mắt hoặc nằm nghỉ bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Giữa việc rửa sạch đống bát đĩa và tranh thủ ngủ lấy 20 phút thì việc sau quan trọng hơn nhiều.
9. Chỉ tiêu quá nhiều. Ai cũng nói cuộc sống của bạn sẽ thay đổi khi có con, nhưng không ai nói cho bạn biết làm cha mẹ luôn đi kèm với nguy cơ “rỗng túi”. Đừng mua sắm tràn lan mọi thứ đồ cho bé. Hãy đi mua sắm cùng những người có kinh nghiệm, họ sẽ tư vấn cho bạn những gì là cần thiết nhất cho bé. Đừng quá câu nệ chuyện quần áo (bé sẽ lớn rất nhanh và có khi bộ quần áo bạn mua bé chỉ mặc được một lần) hay những đồ chơi (bé có thể chơi mãi một thứ đồ mà không chán đâu). Hãy tiết kiệm tiền đó để cho bé học nhạc hoặc vẽ sau này.
10. Bỏ qua những giây phút đầu tiên. Bạn luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ quên giây phút thiêng liêng lần đầu làm mẹ. Những thực ra, cuộc sống trôi rất nhanh và chẳng mấy chốc con bạn không còn bé bỏng nữa. Hãy giữ lại những phút giây tuổi thơ của con bằng cách quay một cuốn băng, thu lại lời con nói, làm một cuốn album ảnh có chú thích đầy đủ cho mỗi bức hình hay xếp lại những bộ quần áo đầu tiên con mặc trong đời. Đó là những món quà vô giá để bạn tặng con khi chúng trưởng thành.
Bình luận (0)