Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2012, bác sĩ Nguyễn Thái Duy, 35 tuổi, vừa làm bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở TP HCM vừa tiếp tục học sau đại học chuyên ngành chấn thương - chỉnh hình. Tháng 5-2015, biến cố ập đến khi anh phát hiện mình bị u xương bàn tay, buộc cắt bỏ ngón trỏ phải. Đối với bác sĩ phẫu thuật, bàn tay là quý giá nhất, nên khi nhận được hung tin, bác sĩ Duy vô cùng lo lắng vì có khả năng anh phải rời xa phòng mổ, từ bỏ giấc mơ của mình.
Không con đường nào trải hoa hồng
Bác sĩ Duy chia sẻ thời điểm phát hiện bệnh, anh cũng như nhiều người bệnh khác không nghĩ được gì nhiều, chỉ có mục tiêu lớn nhất là phẫu thuật cắt bỏ ngón tay để điều trị bệnh triệt để. May mắn việc điều trị có hiệu quả cao, chức năng tay gần như bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến công việc.
Bác sĩ Nguyễn Thái Duy, Phó trưởng Đơn vị Tầm soát và phát hiện sớm ung thư - Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trước khi phẫu thuật bỏ ngón tay, bác sĩ Duy đã xin nghỉ việc ở nơi đang công tác để chữa bệnh. Sau khi điều trị xong, trong 3-6 tháng đầu, anh phải tập làm quen với việc mình mất đi một ngón tay. Anh kể những ngày đầu khi thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như ăn, uống, viết… rất khó khăn, thường gây hư hỏng, đổ bể. Anh có chút chạnh lòng nhưng rồi quyết tâm cố gắng luyện tập để làm sao khiếm khuyết không ảnh hưởng cuộc sống cũng như công việc.
"Làm việc trong ngành chấn thương - chỉnh hình, tôi thấy khiếm khuyết của mình rất bình thường, vì thường xuyên gặp nhiều bệnh nhân còn bị nặng hơn, mất mát nhiều hơn nhưng họ vẫn vượt qua được, phấn đấu để trở lại cuộc sống bình thường thì không có lý do gì mình bỏ cuộc hay đau buồn. Một khiếm khuyết nhỏ không đáng để mình từ bỏ ước mơ" - anh Duy tâm sự.
Nghĩ như vậy, anh Duy quyết tâm luyện tập cầm dao mổ, kéo để trở lại công việc. Anh mua một bộ dụng cụ phòng mổ, bỏ ra 3 tháng hằng ngày luyện tập cầm, nắm, thao tác. Cùng với đó, anh trúng tuyển vào làm việc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM với chức danh bác sĩ học việc. Ngay khi được quay lại phòng phẫu thuật, anh đã mổ lại được nhưng các thao tác còn chậm nên đồng nghiệp luôn hỗ trợ rất nhiều. Vừa đi làm, anh vừa luyện tập, mỗi ngày một ít, sau 6 tháng thì sử dụng thuần thục dụng cụ mổ.
Ngoài tập sử dụng công cụ mổ, bác sĩ Duy còn phải tập mang găng tay. Vì găng có 5 ngón nhưng anh mất đi một ngón nên phải có cách mang đặt biệt hơn để bảo đảm vô khuẩn. Sau nhiều lần thử các phương án như cắt bớt một ngón dư ở găng tay thì anh lựa chọn mang 2 găng tay. Lớp găng đầu tiên sẽ để thừa ngón út, lớp thứ 2 anh sẽ lồng 2 ngón của găng tay vào ngón giữa. Như vậy, ở bàn tay thiếu ngón, ngón giữa sẽ có 3 lớp găng tay. Tất cả thao tác đeo găng tay không những phải đúng, bảo đảm vô khuẩn mà còn phải thật nhanh.
Không chỉ trở lại với nghề một cách hoàn hảo như chưa từng bệnh tật, bác sĩ Duy còn lấy khiếm khuyết của mình biến thành ưu điểm. Anh kể khi khám bệnh, gặp bệnh nhân không may mất tay, chân, thường bị những cơn đau chi ma, anh sẽ chìa bàn tay thiếu ngón của mình ra và nói mình cũng trải qua cảm giác đó, rồi chia sẻ kinh nghiệm của bản thân làm sao để vượt qua cơn đau. Nhờ được sẻ chia, đồng cảm cũng như những ví dụ sinh động, thực tế, bệnh nhân tự tin hơn, tin tưởng vào bác sĩ và vượt qua cơn đau.
Bác sĩ Duy cho biết bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp, anh cũng nghe không ít lời dị nghị, hồ nghi khi là bác sĩ phẫu thuật nhưng tay bị thiếu ngón. "Dù vậy, với tôi, những lời dị nghị đó không quan trọng. Bởi từ nhỏ, tôi bị sứt môi nên tuổi thơ đã đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị về ngoại hình nhưng tôi đã vượt qua được. Với tôi, sức khỏe của bệnh nhân là quan trọng nhất và tôi luôn học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề" - bác sĩ Duy quả quyết.
Chinh phục thử thách mới
Cuối năm 2016, bác sĩ Duy chuyển công tác sang Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM). Trong quá trình làm việc, anh nhận ra mình phải làm nhiều hơn cho người bệnh chứ không chỉ dừng ở việc điều trị chuyên môn. Do đó, anh chuyển sang đào tạo y khoa, tham gia thỉnh giảng cho các trường đại học có đào tạo ngành y. Ngoài ra, anh còn mở lớp dạy tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên, bác sĩ với mong muốn ngoại ngữ của nhân lực y tế Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn với y tế thế giới.
Bên cạnh đó, bác sĩ Duy còn viết sách tiếng Anh chuyên ngành y khoa; đào tạo nhân lực dạy tiếng Anh, cung cấp nguồn lực giáo viên giảng dạy cho trung tâm ngoại ngữ, các trường đại học đào tạo ngành y. Đến nay, bác sĩ Duy đã đào tạo hơn 100 lớp tiếng Anh trực tuyến, trực tiếp với hàng ngàn sinh viên.
"Tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé để tiếp thêm lửa nghề cho các sinh viên, bác sĩ trẻ. Vì vậy, ngoài dạy chuyên môn, tiếng Anh, tôi còn dạy thêm cho các em những kỹ năng mềm, cách xử lý các tình huống với bệnh nhân khi làm việc. Tôi mong đội ngũ y tế tương lai của Việt Nam có thể tự tin vững chuyên môn, có đời sống tốt" - bác sĩ Duy bày tỏ.
Bác sĩ Duy còn tham gia thực hiện các dự án y tế công cộng ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Hiện anh đang là Phó trưởng Đơn vị Tầm soát và phát hiện sớm ung thư của bệnh viện. Để chuyển sang mảng y tế dự phòng, anh phải đi học thêm chuyên môn.
Đơn vị Tầm soát và phát hiện sớm ung thư là một dự án hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại đây, bác sĩ sẽ dùng các xét nghiệm, hình ảnh học để phát hiện sớm một số loại ung thư trước khi nó có triệu chứng. Sau khi tầm soát, nếu phát hiện bệnh, sẽ chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa trong bệnh viện hoặc chuyển tuyến để điều trị kịp thời.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2
Hy sinh vì nghề nghiệp
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tem, 30 tuổi, rời quê hương Thừa Thiên - Huế để vào Bình Phước làm việc tại Khoa Nội 3 Bệnh viện Nhân Ái (chuyên điều trị bệnh nhân HIV/AIDS) đã 7 năm và là năm thứ 3 chị chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến giáp. Chị Tem kể lúc phát hiện và có kết quả sinh thiết mình có khối u ác tính, chị suy sụp, sụt 7 kg vì lo lắng. May mắn u ở giai đoạn sớm nên chị cần cắt một thùy tuyến giáp phải và uống thuốc điều trị. Xa quê lại ở một mình, cầm bệnh án trên tay, chị Tem bật khóc. Nhưng nghĩ đến bệnh nhân điều trị HIV khó khăn hơn, họ cần mình, chị lại gạt suy nghĩ trở về quê để ở lại tiếp tục công việc.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tem, Khoa Nội 3 Bệnh viện Nhân Ái, chăm sóc bệnh nhân HIV
Cũng như chị Tem, anh Bùi Văn Tiến (38 tuổi, quê TP Hà Nội), Phó trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhân Ái, cũng lựa chọn đi làm xa nhà. Khi mới công tác tại bệnh viện, anh Tiến là điều dưỡng của Khoa Bệnh nhân HIV nặng. Trong lúc vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, anh đã bị dịch cổ họng của bệnh nhân ho văng ra, trúng mắt. Vì tải lượng virus của bệnh nhân cao nên anh Tiến phải làm xét nghiệm, uống thuốc ngừa phơi nhiễm HIV bậc 2. Ngoài ra, anh phải tạm cách ly với vợ con. Qua 29 ngày uống thuốc liên tục, khi xét nghiệm lại, anh âm tính với HIV.
Anh Bùi Văn Tiến - Phó trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhân Ái - trò chuyện, động viên bệnh nhân HIV. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhưng chỉ một tháng sau đó, trong một lần truyền máu cho bệnh nhân, không may bị kim tiêm đâm vào tay, anh Tiến lại tiếp tục làm xét nghiệm và sử dụng thuốc ngừa phơi nhiễm. Việc dùng thuốc ngừa phơi nhiễm HIV bậc 2 liên tục khiến anh bị ảo giác, sức khỏe kém, mất ngủ... "Dù công việc có thể tiếp tục xảy ra rủi ro nhưng vì bệnh nhân, tôi quyết tâm bám trụ với nghề" - anh Tiến khẳng định.
Bình luận (0)