Những tiến bộ trong điều trị tim bẩm sinh hay điều kỳ diệu mang tên tế bào gốc và gần đây nhất là thành công của ca ghép phổi đầu tiên mở ra triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh vốn được coi là “vô phương cứu chữa”.
Ca ghép phổi đầu tiên
Sau một thời gian dài chuẩn bị, giữa tuần trước, các bác sĩ Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho còn sống ở Việt Nam tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y. Ghép phổi là kỹ thuật rất khó trong ngành ghép tạng. Thành công này đánh dấu một bước tiến mới trong ngành ghép tạng Việt Nam. Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi), mỗi người tặng một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho bé. Hiện cháu bé hồi phục rất tốt. Theo đánh giá của chuyên gia ghép phổi Nhật Bản, GS Oto Takahiro, người trực tiếp phối hợp thực hiện ca ghép phổi với các bác sĩ Việt Nam, với diễn tiến rất tốt sau ca ghép, cháu bé có thể sống khỏe mạnh tới 60 hay 70 tuổi.
Điều kỳ diệu mang tên “tế bào gốc”
Hơn 20 năm qua, thành công từ kỹ thuật ghép tế bào gốc đã mang lại cuộc sống bình thường cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính. “Tế bào gốc” là thành tựu y học nổi bật của nhân loại trong điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM và Bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương là 2 cơ sở đứng đầu cả nước về số ca ghép tế bào gốc. Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM đã thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật mới nhất của thế giới, ghép 3 loại tế bào gốc là tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi. Thành công này giúp nâng tầm Việt Nam lên cao hơn trong khu vực và châu Á, rút dần khoảng cách với các nước phát triển.
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, cho biết thành tựu lớn nhất mà tập thể Viện Huyết học và Truyền máu trung ương làm được chính là thành lập ngân hàng máu dây rốn từ cộng đồng với hơn 2.700 mẫu máu dây rốn khỏe mạnh. Các mẫu máu này đều đã được phân tích các chỉ số để khi có người cần đến tế bào gốc là có thể cung cấp kịp thời mẫu máu phù hợp. “Tế bào gốc máu dây rốn đã được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh mà bệnh nhân đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, nếu không ghép thì chỉ đành chờ chết” - GS Trí chia sẻ. Hiện tế bào gốc cũng đang được hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh ung thư khác ngoài ung thư máu, như ung thư buồng trứng, tử cung… với chi phí chỉ bằng khoảng 30% - 50% so với nhiều nước châu Âu, Mỹ và Singapore.
Bệnh nhi được ghép phổi đang hồi phục tốt Ảnh: Khánh Anh
Bệnh tim nặng vẫn sinh con
Tết nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Quảng (30 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) đã vui mừng đến nghẹn ngào khi đón đứa con chào đời. Chị Quảng bị bệnh tim rất nặng, khi mang thai thường xuyên mệt lả và ngất xỉu. Các bác sĩ đã từng khuyên bỏ thai nhưng chị nghĩ làm vậy thì có thể sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội làm mẹ nên đã quyết định phải cứu lấy con mình.
Trước nỗi khổ tâm của bệnh nhân, GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E trung ương và các đồng nghiệp đã lên kế hoạch “giải cứu” mẹ con thai phụ dù tỉ lệ thành công rất nhỏ. Khi thai 16 tuần, chị Quảng đã trải qua phẫu thuật thay van tim, thay đoạn động mạch chủ. Các bác sĩ Bệnh viện E đã lên kế hoạch phẫu thuật tỉ mỉ để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. “Trước đây, mọi người thường cho rằng phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên mang thai, nếu có thai thì không nên sinh con. Thế nhưng, chúng tôi đã phá vỡ hoàn toàn quan niệm đó. Với các kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, nếu được phát hiện, can thiệp sớm thì phụ nữ bị bệnh tim vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh” - GS -TS Thành khẳng định. Ngoài ra, các kỹ thuật điều trị bệnh lý tim bẩm sinh hiện có đã giúp cứu sống hàng ngàn đứa trẻ mỗi năm.
“Phẫu thuật gia” của thế kỷ XXI
Trong tuần này, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục đưa vào sử dụng 2 robot thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh lý khớp gối và phẫu thuật thần kinh sau khi ứng dụng rất hiệu quả robot trong phẫu thuật bệnh lý cột sống năm 2016. TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết cùng với đội ngũ kỹ thuật viên đã được đào tạo tại Đức, Pháp, “phẫu thuật gia” thế kỷ XXI sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong việc định vị chính xác các tổn thương để điều trị tốt nhất. Robot phẫu thuật làm được điều mà phẫu thuật viên không làm được trong mổ kinh điển với các phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác gần như tuyệt đối. “Phẫu thuật viên dù giỏi đến đâu cũng không thể chính xác bằng robot. Trong phẫu thuật bệnh lý khớp gối thì phẫu thuật bằng robot sẽ cho hiệu quả khác biệt, nhất là những trường hợp phải thay khớp. Ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp, nếu bằng kỹ thuật thông thường thì người bệnh sẽ phải thay toàn bộ nhưng phẫu thuật robot cho phép chỉ thay phần khớp bị hỏng. Với những ca phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác đến 1/10 mm mà phải đục đẽo, cắt gọt thủ công thì kỹ thuật viên hầu như không đạt được trong khi robot phẫu thuật hoàn toàn có thể” - TS Hùng nói. Ngoài ra, phẫu thuật bằng robot giúp bác sĩ giảm tối đa các tổn thương cho phần lành, đây là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những phẫu thuật mà nhiều người rất ngại đụng chạm như thần kinh, sọ não.
Ghép thận không cùng huyết thống
Ca mổ ghép thận chéo lần đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công mới đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng cứu người ở nước ta, mang thêm hy vọng cho nhiều bệnh nhân đang mòn mỏi chờ ghép tạng.
Là người theo sát 2 ca ghép thận từ những ngày đầu tiên, PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, kể: “Chúng tôi liên tục tra cứu các tài liệu trên mạng, kết hợp với kiến thức về ghép thận chéo được học từ nước ngoài rồi lấy kết quả 2 cặp gia đình đưa ra Hội đồng Ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó chuyển cho Hội đồng Ghép thận thế giới để xin ý kiến. May mắn là kết quả cả 2 cặp đều tương đồng và ca ghép thận không cùng huyết thống đã diễn ra suôn sẻ, mở một hướng phát triển ghép tạng mới tại Việt Nam”.
Hai cặp người thân đã đổi chéo thận thành công là chị L.T.A.H (31 tuổi, ngụ An Giang), người cho thận là ông T.N.X (51 tuổi, cha dượng) và chị V.T.H (32 tuổi, ngụ Đắk Nông), người cho thận là N.T.H (58 tuổi, mẹ ruột).
Ng.Thạnh
Bình luận (0)