TS-BS Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, là một trong 3 thành viên sáng lập chính của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Chạy đua với thời gian
Công việc hằng ngày của các thầy thuốc tham gia mạng lưới này là nhận cuộc gọi từ các F0 và F1 nghi vấn qua tổng đài 1022.
Bên cạnh đó, họ còn chủ động gọi điện thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người bệnh (hướng dẫn các bài tập thở, cách dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe...); đánh giá tình trạng bệnh nhân; sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ.
Một cuộc giao ban của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Từ đánh giá tình trạng bệnh nhân và kết quả sàng lọc của họ, y - bác sĩ đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, đưa bệnh nhân nhập viện hay chuyển cấp cứu. Đồng thời, các thầy thuốc cũng kết nối với sở y tế, hệ thống cấp cứu 115 cùng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung hay khu cách ly để chuyển các bệnh nhân nặng tới cấp cứu...
TS-BS Lê Tuấn Thành cho biết cuộc họp đầu tiên để thành lập mạng lưới là vào ngày 22-7-2021. Chỉ hơn 1 tuần ngắn ngủi, họ chạy đua với thời gian, miệt mài thiết kế hệ thống, xây dựng các văn bản thành lập mạng lưới.
Thời điểm đó, trong số hơn 10.000 đơn đăng ký của các y - bác sĩ, tình nguyện viên, họ đào tạo chuyên môn và hướng dẫn sử dụng phần mềm được 6.300 y - bác sĩ để phục vụ người dân. Ngoài ra, có hơn 500 tình nguyện viên và chuyên gia công nghệ để hỗ trợ cho 6.300 thầy thuốc của tổng đài.
Các y - bác sĩ phải trải qua các đợt tập huấn, các bài kiểm tra khắt khe trước khi tham gia vào tổng đài. Theo TS-BS Lê Tuấn Thành, khoảnh khắc lúc 11 giờ ngày 1-8-2021, khi phía đội ngũ kỹ thuật thông báo: "Hệ thống thông rồi!", anh đã bật khóc vì xúc động.
"Mạng lưới chính thức khởi động, tôi biết chúng tôi có thể làm được gì đó cho người dân TP HCM" - TS-BS Lê Tuấn Thành nói.
Các thành viên của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn cho bệnh nhân qua tổng đài
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có 31 nhóm tổng đài chăm sóc. 22 nhóm đầu dành cho khu vực TP HCM, được mã hóa theo đơn vị quận - huyện như 760, 761, 762... để trong lúc giao tiếp không lộ thông tin người bệnh.
Do số bệnh nhân nặng tăng đột ngột, đầu mối thông tin truyền thông gọi điện cho BS Thành để trao đổi tình hình. Ngày 5-8-2021, mạng lưới đã tiến hành tuyển gấp rút các y - bác sĩ mới để thành lập nhóm G23. Người được chọn là các y - bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, từng nhiều lần đối mặt với sinh tử và phải vững vàng trong chuyên môn.
Ngày 6-8-2021, nhóm G23 chính thức đi vào hoạt động, các bác sĩ thay phiên nhau tình nguyện trực online 24/24. Không ít bác sĩ dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng do phải tiếp xúc với trường hợp nặng liên tục cũng không chịu được áp lực tâm lý, nên xin rút. Mạng lưới lại liên tục tuyển mới để bổ sung.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười
Trong quá trình hỗ trợ người dân, họ có những kỷ niệm không thể nào quên.
Lần đầu thực hiện cuộc gọi đến số của một bệnh nhân, BS Trần Thị Tuấn Anh, thành viên của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, không thấy F0 nghe máy. Lần sau, người ở bên kia đường dây mới nghe cuộc gọi của chị một cách rụt rè. Bệnh nhân nói nhìn thấy số lạ nên tưởng gọi để lừa đảo, vội vã vào Google để kiểm tra. Khi biết không phải lừa đảo, bệnh nhân mới dám nghe máy.
Chị Tuấn Anh cũng gặp một tình huống dở khóc dở cười khác, khi vừa nhận cuộc gọi của chị, F0 đã dồn dập truy vấn: "Chị là ai? Chị từ đơn vị nào gọi đến? Chị làm việc này mục đích gì?". Khi F0 đã an tâm, tin tưởng, chị mới có thể theo dõi, chăm sóc diễn tiến bệnh của họ.
Anh Nguyễn Văn Kiên, tình nguyện viên khác của mạng lưới, cũng chia sẻ: "Có bệnh nhân nói với tôi: "Gọi như thế này có tác dụng gì đâu, gọi từ xa chả giải quyết được vấn đề gì. Khám trực tiếp còn chưa giải quyết được, nói gì đến gọi…".
TS-BS Lê Tuấn Thành lại kể kỷ niệm đến với anh vào một đêm khi TP HCM đang ở những ngày đỉnh dịch. Ngày đó, anh thường đặt số điện thoại của mình ở cuối cùng danh sách. Về đêm các bác sĩ thường để tình trạng off hoặc lúc mạng lưới quá tải, bệnh nhân gọi đến vẫn sẽ có người nghe máy.
Có lần 2 giờ sáng, anh nhận được cuộc gọi của một bệnh nhân nam sinh năm 1994, là công nhân ở một khu trọ. Vừa nhấc máy, anh nghe bệnh nhân khóc nức nở, cho biết bị F0 từ 2 tháng qua, vừa rồi phòng trọ có 2 người bạn trở nặng phải nhập viện cấp cứu, anh càng lo lắng về tình trạng của mình. BS Thành đã trấn an và sau khi đánh giá sơ bộ thấy người bệnh không còn triệu chứng, anh kiên trì giải thích và sau đó chuyển giao lại cho y tế địa phương để giúp F0 này xét nghiệm, có phương án về quê.
Khoảnh khắc khó quên
BS tư vấn Nguyễn Văn Chánh, thành viên của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, kể rằng khoảnh khắc khó quên trong đời anh là lần níu giữ sự sống cho một F0 cao tuổi. Do bệnh nhân tuổi cao, anh đã lưu ý và ưu tiên gọi trước. Người nhấc máy là con trai của bệnh nhân này. Tình trạng sức khỏe của F0 đang rất kém, không thể ăn, sốt nhẹ, ho, mất vị giác.
"Những câu trả lời yếu ớt vọng lại từ đầu dây bên kia khiến tôi rất lo lắng. Tôi đã hướng dẫn người nhà đếm nhịp thở của bệnh nhân vì không có các thiết bị kiểm tra như máy đo huyết áp, SpO2. Nhịp thở được xác định là 33 lần/phút, tôi gọi y tế địa phương nhờ hỗ trợ" - BS tư vấn Nguyễn Văn Chánh nhớ lại.
Y tế địa phương báo chỉ số SpO2 của F0 là 64%, phải thở ôxy, sau đó chỉ số của bà lên được 90%, huyết áp 120/90 mmHg. Lúc đó, anh Chánh nhanh chóng gửi thông tin cho trưởng nhóm và khởi động cấp cứu. Sau khi CDC xác nhận, anh thông báo tiếp tục cho thở ôxy và hướng dẫn bệnh nhân tập thở.
Đêm đó, hầu như anh không ngủ. 0 giờ đêm, anh lại gọi hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân này, hướng dẫn lấy các chỉ số như SpO2, huyết áp. Qua 2 ngày theo dõi, tình trạng của F0 đã cải thiện, cai được ôxy, có thể ăn uống. Đến nay bệnh nhân đã hồi phục. Lúc đó, bác sĩ tư vấn của mạng lưới này mới thở phào. Anh lại tiếp tục một cuộc gọi khác, khi thấy danh sách chờ còn dài.
ThS-DS Nguyễn Hữu Tú, một thành viên khác của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cho biết hơn 10.000 thầy thuốc trong mạng lưới đều tham gia hoàn toàn tự nguyện, không có một đồng kinh phí nào mà chỉ vì lương tâm của người thầy thuốc và sự an toàn của người bệnh. Đây có thể được xem là đợt tình nguyện dài nhất từ trước đến nay của ngành y tế.
Cứ như vậy, hàng trăm ngàn người bệnh đã được chăm sóc, hỗ trợ tận tình từ những y - bác sĩ thầm lặng. Từ ngày 1-8 đến 31-10-2021, mạng lưới đã chăm sóc, sàng lọc 388.164 bệnh nhân Covid-19. Sau đó, khi dịch bùng phát tại Hà Nội, mạng lưới được khởi động trở lại. Các y - bác sĩ không ngừng nghỉ, họ tiếp tục nhấc máy để đồng hành với người dân trong những ngày tháng mỏi mệt và cả âu lo...
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)