Đã quá nửa đêm nhưng tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, không khí và mọi hoạt động vẫn như ban ngày. Dù ở bất cứ thời khắc nào thì tại đây vẫn được giữ vô trùng, các cửa đóng kín và đèn điện sáng choang như cả ngày lẫn đêm.
Tin vào con đường mình đã chọn
Một bệnh nhân nam bị dao đâm xuyên vùng bụng được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên trong tình trạng mất nhiều máu, huyết áp tụt và con dao vẫn còn trên người bệnh nhân. Đồng hồ chỉ gần 1 giờ sáng, tất cả các bác sĩ trực cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức được quy tụ, điều dưỡng cũng phải túc trực để đi lấy máu đủ lượng và kịp thời.
Nạn nhân được chẩn đoán thủng gan và thủng nhiều nơi trong ổ bụng. Những vết thương đã được khâu nhưng máu vẫn chảy. Ca mổ đã kéo dài gần 3 giờ, nạn nhân đã được truyền 20 đơn vị máu (gần 5 lít) nhưng vết thương gây chảy máu ồ ạt vẫn còn là một ẩn số. Các phẫu thuật viên dò tìm vết thương trên từng milimét trên các bộ phận trong vùng ổ bụng, còn bác sĩ gây mê thì từng giây căng mắt theo từng nhịp thở, huyết áp, nồng độ ôxy máu... hiển thị trên màn hình vi tính. Đến lúc ai cũng nghĩ nạn nhân không qua khỏi thì phẫu thuật viên xác định được vết thương rất nhỏ ở động mạch chủ do mũi dao bén xuyên qua. Hơn 4 giờ vất vả, ca phẫu thuật đã thành công.
Bác sĩ Thảo Trang (trái) cùng các đồng nghiệp gây tê tủy sống cho một bệnh nhân trước khi phẫu thuật |
Đây không phải là bệnh nhân đầu tiên được bác sĩ Thảo Trang gây mê để bắt đầu y nghiệp của mình nhưng là trường hợp mà chị nhớ nhất vì ấn tượng với sự kỳ diệu của y học. Và đặc biệt hơn nữa, theo bác sĩ Thảo Trang - đó là đêm trực đáng nhớ vì “hạnh phúc khi mọi nỗ lực của mình không bị đổ sông đổ biển”.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Trang về công tác tại BV Chợ Rẫy từ năm 2001. Chị tâm sự: “Có lẽ tôi gắn bó với công việc bác sĩ gây mê vì muốn giúp bệnh nhân an tâm và có giấc ngủ ngon trong lúc các bác sĩ khác đang chữa lành vết thương cho họ”. Nhưng dù với lý do nào thì niềm đam mê của nữ bác sĩ này vẫn luôn được chắp cánh bởi tâm huyết một bậc tiền bối trong ngành gây mê là bác sĩ Hồ Hải mà chị gọi một cách kính trọng là cô. Câu nói của nữ bác sĩ Hồ Hải: “Nếu được chọn lựa lại thì tôi vẫn sẽ chọn làm bác sĩ gây mê” – theo bác sĩ Thảo Trang- đã giúp chị đặt hết niềm tin vào con đường mình đã chọn. Một lựa chọn can đảm khi hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, đó là càng ít bác sĩ gây mê thì công việc của những người này càng vất vả.
Chỉ cần bệnh nhân ngủ êm
Khó có thể nhận ra bác sĩ Thảo Trang hoặc bác sĩ nào khác khi mới đặt chân vào Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức của BV Chợ Rẫy. Đây là khoa đặc biệt vì quy tụ tất cả 22 bác sĩ gây mê của BV này và không có giường cho bệnh nhân nằm lại, không có bóng dáng của người thăm nuôi bệnh, tất cả các bác sĩ và toàn bộ nhân viên y tế tại đây không mặc áo blouse trắng mà thay vào đó là những bộ đồ mổ và cả nón màu xanh lá, mang khẩu trang. Đặc biệt, bệnh nhân càng khó nhận ra ai là người đã gây mê và theo dõi từng nhịp thở của mình vì khi vào đây tất cả đều bị gây mê, còn khi tỉnh lại họ đã được chuyển sang một khoa khác để chăm sóc sau mổ. Vì vậy, không ngoa khi nói rằng các bác sĩ gây mê là những chiến sĩ thầm lặng. Bác sĩ gây mê phải bằng mọi cách tiên lượng để cuộc mổ được an toàn, phải biết đánh giá tình trạng từng bệnh nhân. Tất cả những thông số này không chỉ được biết qua các công thức mà còn phải được đánh giá bằng chính sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp của từng bác sĩ gây mê. Và họ cũng phải phối hợp hết sức nhịp nhàng với phẫu thuật viên, hiểu được từng mũi dao của phẫu thuật viên ngay từ khi vết mổ chỉ bắt đầu được rạch ở phần da cho đến khi khối u được bóc tách hay phần tổn thương được điều trị.
Bác sĩ gây mê không phải chỉ đơn giản chỉ quan tâm đến những thông tin về thể trạng của bệnh nhân để đánh giá họ có vượt qua được cuộc mổ hay không mà còn dành thời gian trò chuyện với người bệnh trước đó để giúp bệnh nhân có được “phép thắng lợi tinh thần”. Trong ngành y gọi đây là giai đoạn khám tiền mê. Nghĩa là một ngày trước khi mổ bác sĩ gây mê phải tiếp cận với bệnh nhân của mình. “Nhiều bệnh nhân lo lắng và hoang mang vì họ nghĩ rằng không biết có qua được hay không. Họ cũng cảm thấy đơn độc vào lúc ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết mà người nhà thì không vào cùng trong phòng mổ được. Do đó, tôi phải trấn an và giúp bệnh nhân cảm thấy yên tâm trước khi cuộc mổ bắt đầu. Chính tâm trạng vui vẻ của bệnh nhân sẽ góp phần vào thành công của cuộc mổ” - bác sĩ Thảo Trang tiết lộ bí quyết của mình.
Lửa yêu nghề thầm lặng cháy Không được sự nhớ đến của bệnh nhân, không có thêm nguồn thu nhập như nhiều đồng nghiệp thuộc các chuyên khoa khác nhưng trách nhiệm trực tiếp đối với người bệnh lại rất nặng nề, vậy mà bác sĩ Thảo Trang chưa một lần nghĩ sang ngả rẽ khác. Mặc dù thầm lặng nhưng công việc gây mê đối với chị vẫn luôn có một sức hấp dẫn lạ lùng. Khi được hỏi rằng có bao giờ chị nghĩ tại sao mình cũng học lâu như những đồng nghiệp khác nhưng họ lại có thu nhập cao hơn thì chị trả lời: “Khó mà giải thích rõ ràng tất cả mọi sự việc trong đời, mình chỉ biết mỗi người đều có những mục tiêu và những lối đi cho riêng mình. Không ai giống ai. Và đó mới là cuộc sống!”. |
Bình luận (0)