Bác sĩ Ngô Thị Minh Thu - Trưởng Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM - cho biết điều kiện để cách ly tại nhà là người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp), nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
Mở rộng độ tuổi cách ly tại nhà
Bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết hiện toàn TP Thủ Đức có hơn 600 F0 đang cách ly tại nhà. Với số F0 này thì vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên người dân không nên chủ quan, tốt nhất là nên thực hiện nghiêm 5K.
"Thời điểm hiện tại số ca mắc Covid-19 có tăng nhưng không nhiều. Trước Tết mỗi phường ghi nhận khoảng 3-5 ca, có phường không ghi nhận ca nào. Hiện tại, số ca mắc Covid-19 mới tăng gấp 3 lần, nhưng cũng chỉ khoảng 10-15 ca. Để chủ động phòng chống dịch, hiện TP Thủ Đức vẫn duy trì 32 trạm y tế lưu động. Trong đó, có 20 trạm là y, bác sĩ của các bệnh viện trên địa bàn thành phố và 12 trạm là nhân lực của trạm y tế" - bác sĩ Hải nói.
Nhân viên y tế tại Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi bổ sung, nhắc lại cho người dân
Trạm y tế lưu động do bác sĩ của các trạm y tế phường quản lý sẽ được điều phối linh hoạt, nếu không có F0 thì rút về trạm y tế để thực hiện nhiệm vụ như tiêm vắc-xin, thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe của địa phương. Nếu số ca F0 tăng thì sẽ quay trở lại làm việc tại trạm y tế lưu động.
Tại Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh (TP HCM) đây là phường có số dân đông nhất tại quận Bình Thạnh. Bác sĩ Ngô Thị Minh Thu cho hay phường hiện có 125 F0 đang cách ly tại nhà. Trong đó, có 62 học sinh gồm 9 học sinh mầm non, 21 học sinh tiểu học, 26 học sinh THCS và 6 học sinh THPT.
Theo bác sĩ Thu, hiện nay trẻ đi học trực tiếp nên số ca mắc Covid-19 ở đối tượng này có tăng nhẹ. Trẻ là F0 lây từ nhiều nguồn có thể tại trường hoặc tại gia đình. Quản lý trẻ là F0 trạm y tế vẫn thực hiện theo Công văn 9038. Nếu trẻ có triệu chứng sẽ cấp gói thuốc A (paracetamol, vitamin C) và hướng dẫn phụ huynh cách dùng thuốc cho trẻ. Với trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ cách ly 7 ngày, trẻ chưa tiêm vắc-xin cách ly 14 ngày.
Bác sĩ Thu cho biết thêm hiện F0 cách ly tại nhà được theo dõi, chăm sóc theo hướng dẫn của Sở Y tế (phiên bản 1.7). Tại phiên bản này, đã mở rộng độ tuổi cách ly tại nhà từ 3 tháng tuổi - 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc-xin (độ tuổi cách ly tại nhà trong hướng dẫn trước đây là từ 1-50 tuổi).
Khi trẻ là F0
Theo bác sĩ Phạm Xuân Hải, số trẻ mắc Covid-19 hiện nay chủ yếu xuất hiện nhiều ở trẻ chưa tiêm vắc-xin. Hầu hết trẻ em là F0 khoảng 3 ngày là hết triệu chứng. Khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng tại nhà thì cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để phối hợp xử trí. Trường hợp phát hiện trẻ mắc Covid-19 tại trường học cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo cho cơ sở y tế để cùng xử lý.
Đối với lớp có học sinh F0 cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Bác sĩ Ngô Thị Minh Thu lưu ý quá trình chăm sóc và điều trị Covid-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C (uống nhiều nước), không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến bác sĩ. Người chăm sóc trẻ cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím để đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Với những trẻ có nguy cơ như béo phì, tim mạch... thì cần phải theo dõi sát, nếu thấy những triệu chứng bất thường thì sớm cho trẻ đến bệnh viện.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM - cũng khuyến cáo trẻ mắc Covid-19 ở giai đoạn ủ bệnh và phát bệnh sẽ có nhiều biểu hiện, có thể ở đường hô hấp, đường tiêu hóa nên phụ huynh dễ nhầm với các bệnh lý khác, lúc này tải lượng virus chưa đủ để làm xét nghiệm nhanh dương tính. Vì vậy, nếu gia đình có thành viên là F0 thì trẻ phải được theo dõi sát, sau đó vài ngày thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR.
Bình luận (0)