Theo BHXH Việt Nam năm học 2020-2021, toàn quốc có khoảng hơn 18 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, đạt trên 97%, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020; trong đó có hơn 14,5 triệu người tham gia theo diện HSSV và 3,5 triệu người tham gia theo nhóm khác.
Ngân sách hỗ trợ 30%
Theo quy định, mức phí BHYT của HSSV được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành (4,5% x 1.490.000 đồng), tương đương với 67.050 đồng/tháng. Hiện tại, HSSV là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức phí đóng. Do đó, mức phí thực đóng của HSSV là 44.935 đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong cả nước đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Tùy vào tình hình ngân sách của mỗi địa phương mà có mức hỗ trợ thêm khác nhau từ 10%-50% mức đóng. Phương thức đóng BHYT HSSV hiện tại cũng rất linh hoạt, tránh gây áp lực kinh tế cho phụ huynh. Theo đó, phụ huynh có thể đóng BHYT HSSV theo kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Tham gia BHYT, HSSV không chỉ được chi trả chi phí khám chữa bệnh trong quyền lợi được hưởng mà còn được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học. Quỹ BHYT hằng năm đều phân bổ 5% số thu, phục vụ cho y tế trường học, chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng cho HSSV. Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây là thuận lợi rất lớn, cho thấy chính sách BHYT của Việt Nam mang tính bao trùm, đem lại lợi ích thiết thực đến từng nhóm đối tượng cụ thể.
Nỗ lực phủ BHYT cho học sinhẢnh: Yến Anh
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết hằng năm, cơ quan này chi gần 1.000 tỉ đồng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó chủ yếu dành cho nhóm HSSV. Thống kê từ năm 2016 đến nay cho thấy tính trung bình mỗi năm, có khoảng trên 8 triệu lượt HSSV được KCB BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỉ đồng. Quỹ BHYT chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng...
Phát huy hiệu quả lợi ích BHYT
Việc phát triển BHYT HSSV thời gian qua tuy đã đạt được kết quả tích cực, song theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 3%-4% HSSV chưa tham gia BHYT; tập trung ở nhóm sinh viên một số trường đại học, nhóm học sinh trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề từ năm thứ 2 trở đi. Sinh viên thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do điều kiện kinh tế của sinh viên thường khó khăn hơn học sinh khi phải tự trang trải cuộc sống, học hành và tâm lý tuổi trẻ chưa nghĩ đến bảo vệ sức khỏe bản thân...
Khắc phục tình trạng này, hướng tới mục tiêu bao phủ 100% BHYT cho HSSV, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - sổ thẻ (BHXH Việt Nam), đã chỉ ra các giải pháp trong ngắn hạn cần thực hiện để nâng độ bao phủ. Theo đó, trên cơ sở kết quả của năm 2020, cơ quan BHXH phải sát sao, nắm bắt tình hình, số lượng HSSV ở các trường học, nhất là những trường chưa đạt tỉ lệ 100% tham gia BHYT; thường xuyên làm việc, đôn đốc ban giám hiệu các trường, thực hiện nghiêm việc tham gia BHYT cho HSSV.
Với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc trường dạy nghề, tùy tình hình đặc điểm, thực tế công tác tuyển sinh của từng trường, công tác thu BHYT của HSSV có thể sẽ phức tạp hơn. Do vậy cơ quan BHXH phải chủ động hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các trường nắm bắt kịp thời danh sách số HSSV thuộc diện phải tham gia; từ đó chủ động đôn đốc thực hiện, tuyên truyền, vận động và nhấn mạnh vai trò quan trọng của BHYT, quy định của Luật BHYT tới lãnh đạo các trường cũng như HSSV. Về lâu dài, ông Dương Văn Hào cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để BHYT HSSV đạt kết quả tích cực hơn trong giai đoạn tới. Trước tiên, nhà trường, các bậc phụ huynh phải nhận thức và thực hiện hiệu quả BHYT cho con em mình. Đây là điều kiện tiên quyết để hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bình luận (0)