Sau hai ngày điều trị, ngày 26-4 bệnh nhân bị đột quỵ Trần Thanh Vệ (81 tuổi; trú tại phường Phường Đúc, TP Huế) đã được Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành làm thủ tục cho xuất viện. Đây là trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ nặng nhưng được cứu sống thần kỳ chỉ sau 2 ngày. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Vệ nhập viện trong tình trạng bị tắc mạch máu não cấp, liệt nửa người, uy hiếp đến tính mạng.
Trường hợp bệnh nhân Vệ (bìa phải) trở lại bình thường như một kỳ tích
Sau khi được chụp DSA (hệ thống chụp mạch xóa nền DSA), bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ. Quá trình điều trị chỉ trong 2 ngày, bệnh nhân Vệ đã tỉnh hẳn, đi lại bình thường. "Khi nhập viện tôi cứ nghĩ mình sẽ không qua khỏi cơn đột quỵ, may mắn lắm mới giữ lại được tính mạng nhưng phần đời còn lại sẽ bị liệt. Vậy mà chỉ sau 2 ngày được điều trị thì tôi đã trở lại bình thường" – bệnh nhân Vệ vui mừng.
Cơ sở vật chất hiện đại
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế nằm ngay ở vị trí trung tâm của bệnh viện. Nơi đây được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, bậc nhất. Bước vào trung tâm, sự yên lặng đến lạ thường. Không có cảnh náo nhiệt như thường thấy ở những đơn vị y tế khác. Những khoa phòng vô trùng, bên trong chỉ có đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân. Ở đây, người nhà bệnh nhân chỉ được vào thăm bệnh ở những khung giờ ổn định và bị hạn chế. Việc chăm sóc bệnh nhân từ vệ sinh đến thuốc men, ăn uống đều do đội ngũ y, bác sĩ trung tâm đảm trách.
Điều dưỡng đang cho một bệnh nhân ăn
Anh Ngô Đức Dũng, một người nhà bệnh nhân đang được điều trị tại đây cho biết lúc đầu ai cũng khá bất ngờ việc không được vào chăm sóc người nhà bị bệnh thường xuyên. Tuy nhiên, nhìn cách chăm sóc của đội ngũ y tế tại đây thì họ đều khá yên tâm.
Bệnh nhân điều trị tại trung tâm
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết Trung tâm Đột quỵ thuộc bệnh viện này được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-2018, đến nay đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ. Trung tâm đã hoàn thành tốt vai trò nòng cốt của mình với đội ngũ y, bác sĩ năng nổ, nhiệt tình, có chuyên môn trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, hồi sức thần kinh và can thiệp mạch máu não đem lại hiệu quả cao trong giảm thiểu tử vong, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng sống bệnh nhân sau đột quỵ.
Các bệnh nhân được đội ngũ y tế chăm sóc tận tình
Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, bệnh nhân đột quỵ có tỉ lệ tử vong và tàn tật cao. Nhập viện trong những giờ đầu sau đột quỵ có ý nghĩa quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong và gia tăng cơ hội hồi phục. Đột quỵ có thể chia thành 2 loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Nhồi máu não có tỉ lệ cao hơn, chiếm khoảng 80-85%, xảy ra do tình trạng tắc mạch não. "Các bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ sẽ được vận chuyển bằng Trung tâm Cấp cứu 115 tới thẳng bệnh viện mà không phải đi lòng vòng những tuyến y tế cơ sở nhằm đảm bảo "giờ vàng" cứu chữa bệnh nhân" - GS-TS Phạm Như Hiệp phân tích.
Các chỉ số của bệnh nhân đều được kiểm tra thường xuyên
Bệnh nhân nhồi máu não nếu đến viện trong "giờ vàng" là 3,5 giờ kể từ khi xuất hiện bệnh thì có thể được áp dụng các liệu pháp điều trị tái thông mạch máu. Trong 3-4,5 giờ đầu có thể tái thông bằng thuốc, thất bại có thể chuyển sang can thiệp nội mạch lấy huyết khối nếu không quá 6 giờ. Cả hai biện pháp tái thông này đều không thể áp dụng nếu bệnh nhân đến muộn. Hiện tại, trung bình chỉ khoảng 6-8% bệnh nhân nhồi máu não đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế nhập viện sớm và được điều trị tái thông mạch máu từ đầu.
Bệnh nhân được chụp DSA
Hệ thống máy DSA hiện đại
Quy trình cấp cứu đột quỵ trong bệnh viện đã được hoàn thiện để rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu cho bệnh nhân. Thời gian từ lúc nhập viện cho đến khi bệnh nhân được chọc kim truyền thuốc tái thông mạch máu trung bình dưới 60 phút. Trong trường hợp có chỉ định can thiệp lấy huyết khối thì thời gian trung bình dưới 80 phút.
Một bệnh nhân đang làm bài tập "nhận biết" theo đề nghị của bác sĩ
Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại đây hầu hết đã lớn tuổi
Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế được đặt ở vị trí khá thuận lợi, điểm trung tâm và gần với nhiều khoa như ngoại thần kinh, nội thần kinh, phòng phẫu thuật, hồi sức, các nơi có trang bị máy móc hiện đại như DSA, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT... Điều này nhằm tạo sự thuận lợi trong di chuyển bệnh nhân, ứng cứu kịp thời trong mọi trường hợp.
Tình trạng bệnh nhân Ngô Đức Phòng (89 tuổi) đã tốt lên rất nhiều sau hơn 1 tháng nhập viện
"Chúng tôi đang xây dựng trung tâm đột quỵ theo tiêu chuẩn mô hình trung tâm toàn diện phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh nhân đột quỵ. Làm sao để bệnh nhân nhập viện sớm, đúng địa chỉ và được áp dụng các biện pháp cấp cứu kịp thời, rút ngắn thời gian trì hoãn ngoại viện. Đây là bài toán lớn, cần phối hợp nhiều ban ngành để tìm giải pháp"- GS-TS Phạm Như Hiệp khẳng định.
Bình luận (0)