Chiều 17-2-2022, qua kết quả xét nghiệm, vợ và con trai 12 tuổi của tôi dương tính với SARS CoV-2, phải vào Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bắc Giang để cấp cứu.
Tất cả diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ
Cũng ngay chiều đó, con gái 8 tuổi của tôi cũng dương tính với SARS-CoV-2. Cuối cùng là tôi - trụ cột của gia đình, cũng bị Covid-19 hạ gục. Mấy hôm thức trắng đêm trông con, vệ sinh phòng ở, nấu ăn nên người tôi đã mệt lả, nay thêm miệng đắng ngắt, ho nhiều, sốt liên tục.
Dù tôi đã cố gắng làm theo những lời khuyên của các bác sĩ khi điều trị F0 song con gái tôi vẫn sốt gần 40 độ, nằm li bì, uống thuốc hạ sốt đều nôn, không ăn uống gì, chỉ số ôxy (Spo2) trong máu rất thấp, nhịp tim đập nhanh, thở dốc.
Công việc của họ diễn ra trong âm thầm lặng lẽ
Đã quá 20 giờ nhưng khu vực cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm vẫn có rất nhiều bệnh nhân nặng ngồi dọc hành lang chờ nhập viện. Con gái tôi nhỏ tuổi nhất nên được ưu tiên thăm khám trước. Rất khẩn trương, hai nữ bác sĩ, y tá hết lấy máu, đo nồng độ ôxy trong máu rồi đo nhiệt độ cơ thể và ân cần hỏi han tình trạng bệnh của con tôi. Phía trong khu vực này, nhiều bệnh nhân đang nằm thở máy. Nhân viên y tế đi lại tất bật. Tín hiệu phát ra từ các máy thở kêu tít tít khiến không gian ở đây vô cùng căng thẳng. Những xe cứu thương chở người bệnh từ nơi khác đến nhập viện rồi vội vã phóng vút đi.
Ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Người trực cấp cứu, người thăm khám, người chụp chiếu X quang, người đẩy xe đi khắp các tầng phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân. Tất cả diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ. Tôi ngồi cạnh mép giường trông con ở hành lang, chờ nhập viện.
Một nữ y tá nói với đồng nghiệp: "Người em bắt đầu ngấy sốt. Nhức đầu lắm. Hình như em cũng nhiễm Covid rồi!" Sống mũi tôi bỗng cay cay. Phía hàng rào chắn ngăn cách giữa nơi điều trị với khu vực bảo vệ, ai đó mang vào một cốc cháo cho cô y tá. Nhưng vì bệnh nhân cấp cứu đông, việc nhiều, cô y tá không thể dừng lại để ra lấy được, đành nhờ người mang cốc cháo vào để ở chiếc bàn gần đó. Từng cơn gió lạnh buốt, ùa vào hành lang.
Liên tục làm việc với cường độ cao
Vào viện được vài hôm, tôi nghe tin cha mẹ tôi cũng dương tính với SARS-CoV-2. Thế là gia đình cả 6 người đều dương tính. Điều mà tôi chưa từng nghĩ đến. Không ngờ dịch lây lan nhanh như thế. May mà bố mẹ tôi cũng chỉ bị nhẹ, vài hôm là âm tính.
Vợ chồng tôi và hai con được tạo điều kiện ở chung một phòng cho tiện chăm sóc lẫn nhau.
Những suất ăn được nhân viên y tế mang đến tận khu điều trị phục vụ bệnh nhân
Trong phòng còn có một chị ở TP Bắc Giang bị u tuyến giáp và một số bệnh khác, từng 5 lần phẫu thuật. Chị và chồng cùng hai con trai cũng mắc Covid-19. Khu vực tôi điều trị cũng khá đông phụ nữ, trẻ sơ sinh đến từ nhiều huyện trong tỉnh. Ban đêm, sốt cao, khó chịu, không bú được sữa mẹ nên các cháu cứ khóc ngằn ngặt nghe thật xót. Nhiều phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở, rồi các cụ già mắc nhiều bệnh nền bị nhiễm Covid-19.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020 đến nay, Khoa Truyền nhiễm này là nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Chừng ấy thời gian, các y, bác sĩ, nhân viên của khoa phải liên tục làm việc với cường độ cao. Đặc biệt, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn của cả nước. Hàng trăm đoàn y tế của Trung ương, các tỉnh, thành phố đã đến Bắc Giang hỗ trợ.
Nhờ sự giúp đỡ nghĩa tình đó, chỉ sau vài tháng, Bắc Giang trở lại trạng thái bình thường mới. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi, là điểm sáng của cả nước về thực hiện "mục tiêu kép". Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron, có thời điểm số F0 lên tới hơn cả trăm ngàn người/ngày đã đặt gánh nặng lên vai hệ thống y tế cả nước dù số ca nguy kịch, tử vong đã giảm nhiều so với trước. Bắc Giang cũng có hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Áp lực lên đội ngũ thầy thuốc cả nước, trong đó có Khoa Truyền nhiễm này, cũng nặng thêm.
Hết lòng vì người bệnh
7 ngày nằm viện, được sự chăm sóc chu đáo của các thầy thuốc, sức khỏe của gia đình tôi tiến triển tốt. Tận mắt chứng kiến, tôi càng thấu hiểu hơn sự vất vả, hiểm nguy cũng như sự hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Số F0 nhập viện liên tục tăng trong khi số giường bệnh không đủ dẫn đến quá tải.
Bác sĩ đến tận giường chăm sóc từng bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết khoa có 30 cán bộ, nhân viên y tế. Có thời điểm số F0 nằm điều trị lên tới 130 người, trong khi khoa chỉ có 79 giường bệnh. Phần lớn bệnh nhân nằm ở đây là người cao tuổi, triệu chứng nặng, mắc bệnh nền hoặc trẻ em, phụ nữ mang thai sắp sinh. Lãnh đạo BV phải điều động các y, bác sĩ ở nhiều khoa khác đến hỗ trợ chăm sóc, điều trị.
Không giống những khoa khác, môi trường làm việc tại Khoa Truyền nhiễm rất khắc nghiệt. Các nhân viên y tế như những con thoi, không hề ngơi nghỉ. Dù ngoài trời lạnh 7-8 độ C nhưng ai cũng đẫm mồ hôi. Có bác sĩ tâm sự, những ngày nắng nóng, nếu nhân viên y tế sức khỏe yếu rất dễ bị ngất.
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ là các y, bác sĩ đến thăm khám, phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân. Khi chúng tôi thiu thiu ngủ, họ lại nhẹ nhàng đến tận từng giường xem còn bệnh nhân nào chưa được tiêm hay thiếu thuốc. Có đêm đau đầu mất ngủ, tôi được bác sĩ tư vấn tận tình để yên tâm, được y tá mang thuốc tận nơi để hỗ trợ. Bất kể giờ nào, hễ bệnh nhân cần, họ đều sẵn sàng tư vấn, giải đáp.
Đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân đều do nhà ăn của BV cung cấp, ngày 3 bữa. Mọi sinh hoạt được khép kín trong khu điều trị. Do F0 nhập viện luôn trong tình trạng quá tải nên nhân viên y tế phải làm xong xuôi hết các việc cấp cứu, xếp phòng, phát thuốc, tiêm, khám rồi mới có thời gian ăn trưa. Có hôm chuyển đồ ăn cho bệnh nhân xong thì đã hơn 13 giờ. Lúc ấy, một số nhân viên y tế mới tranh thủ ăn vội suất cơm đã nguội lạnh.
Điều mà tôi và các bệnh nhân ở đây cảm thấy rất khâm phục các y, bác sĩ là tinh thần lạc quan, luôn biết cách động viên người bệnh. Có những nhân viên y tế khi kiểm tra chụp X-quang phổi hay đo nồng độ ôxy trong máu cho bệnh nhân còn nói vui: "Hình ảnh, chỉ số của các bác còn đẹp hơn chúng cháu. Các bác cứ vui vẻ, chịu khó ăn uống tốt là sớm ra viện thôi!". Nhiều nhân viên y tế trẻ, có con nhỏ, nhà gần BV nhưng hiếm khi được về thăm. Có người phải gửi con về quê nhờ người thân trông nom, chăm sóc, cuộc sống gia đình bị xáo trộn.
Anh Lê Văn Tân (SN 1982), cử nhân chẩn đoán hình ảnh, cho biết từ khi có Covid-19, đây là đợt thứ 3 anh làm việc tại đây, mỗi đợt 3-6 tuần. Công việc của anh là đến tận giường bệnh chụp X-quang phổi cho bệnh nhân mắc Covid-19. Trước khi vào đây, anh cạo trọc tóc để khỏi vướng víu, bám mồ hôi khi làm việc. Rất nhớ vợ và các con, song anh chỉ hỏi thăm qua điện thoại.
Anh Tân nói do thường xuyên tiếp xúc F0 nên nhân viên y tế phải thận trọng để bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu bị phơi nhiễm sẽ dẫn tới thiếu hụt nhân lực làm việc. "Có những bệnh nhân đặt ống thở, phải chụp nằm, khoảng cách giữa nhân viên y tế với mặt bệnh nhân chỉ 20-30 cm, nguy cơ lây nhiễm rất cao nên mình phải hết sức cẩn thận" - anh Tân nói.
Sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy
Làm việc trong môi trường nguy cơ cao, một số nhân viên y tế ở đây đã nhiễm bệnh. Thế nhưng, không ai hoang mang hay bi quan, mà vẫn mạnh mẽ, lạc quan điều trị cho mau khỏi, sau đó quay trở lại phục vụ người bệnh. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là sức khỏe người bệnh sớm phục hồi, hằng ngày có nhiều người khỏi bệnh.
Ngày gia đình tôi ra viện, vợ tôi gọi điện thoại cảm ơn bác sĩ Vân - người trực tiếp điều trị cho chúng tôi. Nữ bác sĩ cười vui: "Chị đây em ơi. Chúc gia đình em khỏe mạnh nhé! Chị cũng mới bị dương tính rồi đây". Nghe tin ấy, tôi thực sự bàng hoàng và thương chị vô cùng. Điều gì đã khiến chị có thể lạc quan, động viên bệnh nhân ngay cả khi biết mình nhiễm bệnh. Đó chỉ có thể là tình yêu nghề tha thiết, là tâm thế sẵn sàng đối mặt, chấp nhận hiểm nguy. Chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài nói lời cảm ơn chân thành, chúc chị mau khỏe.
"Mời các công dân của TP Bắc Giang lên xe nào, chúc mừng các bác được trở về nhà nhé!" - tiếng anh lái xe cứu thương vui tính của BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang khiến các bệnh nhân được ra viện ai nấy đều phấn chấn, vui mừng xách hành lý lên xe.
Trên đường từ BV về nhà, tiếng loa truyền thanh trên hè phố phát vang câu "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai" trong bài "Một đời người, một rừng cây" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Bao hình ảnh thân thương của thầy thuốc trong những ngày điều trị ùa về trong tôi.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)