Bé Nguyễn Văn Dân, 3 tuổi, bị đứt rời bàn chân, đã được xuất viện trong tình trạng ổn định sau 3 tuần nối bàn chân. Ảnh do Bệnh viện Việt Đức cung cấp
Đứt hoàn toàn vẫn nối được
Ngay sau khi xảy ra tai nạn (bị cuốn vào guồng máy chạy thuyền vào tối 21-8), ông nội cháu nghĩ rằng bàn chân bị đứt không thể nối được nên đã ném xuống sông. Ít phút sau đó khi nghe nói rằng bàn chân ấy có thể nối lại được, ông vội vàng nhờ người xuống sông mò tìm. Gần 1 giờ lặn ngụp dưới sông, người ta đã vớt được một phần cơ thể của bé Dân và lập tức bảo quản rồi đưa đi cấp cứu. Bé Dân được chuyển đến BV Việt Đức và ngay trong đêm, các BS đã nỗ lực nối lại bàn chân cho bé Dân. Điều kỳ diệu đã đến với cậu bé này, sau gần 3 tuần, bàn chân được nối đã hồng ấm và có dấu hiệu của sự sống.
Theo giới chuyên môn, tỉ lệ bệnh nhân cấp cứu do tổn thương đứt rời ngày càng có chiều hướng gia tăng mà nguyên nhân thường do tai nạn lao động, sinh hoạt, tai nạn giao thông. Tại BV Việt Đức, ngoài những bệnh nhân được nối tay, chân, da đầu, môi, mũi, tai, dương vật…, còn có những trường hợp đặc biệt hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Điển hình là một nam thanh niên bị cắt đứt rời một bên tai. TS-BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt BV Việt Đức, cho biết so với phẫu thuật nối các bộ phận khác, nối tai khó khăn hơn nhiều do kích thước các mạch máu ở vùng tai nhỏ li ti, cộng với cấu trúc da và sụn tai mỏng khiến việc phẫu thuật khó khăn. Tai lại có cấu tạo và thẩm mỹ đặc biệt, không bộ phận nào có thể thay thế được. Mất tai sẽ ảnh hưởng nặng nề tới chức năng, thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân nên sau khi cân nhắc, đánh giá, ca phẫu thuật đã được thực hiện. Sau 6 tháng, tai nối vẫn sống hoàn toàn, phục hồi được chức năng và tâm lý bệnh nhân không bị ảnh hưởng.
Theo TS-BS Hà, trước đây, việc nối lại những phần đứt rời thường rất khó khăn thì ngày nay người ta có thể nối lại những bàn tay, ngón tay, dương vật, da đầu…, đứt rời với tỉ lệ thành công cao. Để thực hiện được các ca ghép nối này, các BS đã tiến hành vi phẫu, sử dụng kính hiển vi với độ phóng từ 10-20 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước rất nhỏ.
PGS-TS Lê Văn Đoàn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật bàn tay và Vi phẫu thuật - Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV 108, cho biết kỹ thuật vi phẫu sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần đã giúp BS khâu nối chính xác các bó sợi thần kinh và nối được các mạch máu nhỏ. Những trường hợp đứt rời ở vị trí bàn tay và ngón tay có thể nối lại, khôi phục hình thức và chức năng các bộ phận này. Tuy vậy, những ca phẫu thuật như trên phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn bảo quản phần cơ thể đứt rời trước đó.
Càng sớm càng tốt
BS Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt BV Việt Đức, cho biết ngoài những trường hợp đến cấp cứu đã bỏ đi phần cơ thể đứt rời do nghĩ rằng không thể nối ghép thì sai lầm, thường gặp nhất là người ta thường mang phần đứt rời ấy đến BV mà không bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, như để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh làm phần đứt rời ấy bị phỏng lạnh, ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. “Một số khác dùng garo ở mức tối đa, thời gian garo quá lâu (trên 1 giờ), dùng panh kẹp để kẹp mạch máu cũng sẽ làm mạch bị tổn thương gây khó khăn cho phẫu thuật hay gom những phần cơ thể đứt rời của nhiều người bỏ chung vào cùng một túi đựng cũng gây khó khăn trong quá trình phân biệt các bộ phận ghép nối. Không những thế, đây có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh khác”- BS Giang lưu ý.
Không ngâm trực tiếp vào đá lạnh Trường hợp có tổn thương đứt rời nên đặt phần đứt rời trong một túi ni lông sạch và buộc kín. Phía ngoài của túi ni lông đó được đặt trong một túi ni lông khác hay hộp đựng nước sạch. Với mục đích tránh phần chi tiếp xúc trực tiếp với đá và giữ cho nhiệt độ trong túi luôn ở khoảng 40C. Sau đó, đưa tất cả vào trong hộp (xô) có chứa đá lạnh; đưa bệnh nhân và phần chi đứt rời tới các cơ sở có chuyên khoa tạo hình vi phẫu có kinh nghiệm như BV 108 (Hà Nội), BV Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM… để phẫu thuật kịp thời. |
Bình luận (0)