Từ khi bé trai M.Tr (ngụ quận 5, TP HCM) lên 4 tuổi, người thân đã lưu ý mẹ bé rằng chuyện “nói năng” của cậu có vẻ không ổn như các bạn cùng tuổi. Lúc ấy, Tr. nói khá nhiều và nhanh nhưng hầu như không ai nghe được. Ngay cả cha mẹ cậu cũng phải cố lắm mới hiểu con mình nói gì. Trong khi đó, 2 người anh họ cùng tuổi với Tr. và một người em họ mới hơn 3 tuổi đã nói khá rõ ràng.
Đừng la mắng trẻ
Cho rằng trẻ con nói chuyện mỗi đứa mỗi khác nên cha mẹ Tr. không lưu tâm lắm, chỉ nghĩ dần dần rồi bé sẽ nói rõ. Mọi chuyện chỉ thực sự rắc rối khi Tr. vào lớp 1, bé học môn tiếng Việt rất kém trong khi lại giỏi môn toán. Cậu còn hay bị bạn bè chọc ghẹo vì giọng nói ngọng nghịu.
Dần dần, Tr. trở nên khép mình, hay khóc, không chịu đi học. Suốt học kỳ đầu của lớp 1, Tr. còn phải chịu áp lực rất lớn vì cha mẹ nghĩ rằng cậu học không giỏi môn tiếng Việt do không thích, không chịu sửa giọng, lười học nên hay viết sai chính tả…
Không chịu nổi cảnh cháu mình suốt ngày buồn bã vì chuyện đi học, lại liên tục bị mắng nên ông ngoại của Tr. quyết định đưa cậu đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM). Thật bất ngờ, chỉ sau vài tháng tập âm ngữ trị liệu, Tr. đã khắc phục được hầu hết các chữ ngọng và trở thành một học sinh giỏi tốp đầu lớp. “Chúng tôi cảm thấy rất hối hận vì lúc trước không nghĩ ngọng là bệnh, cứ mắng con do tưởng bé lười học…” - mẹ của Tr. chia sẻ trên một diễn đàn.
Tình trạng của bé gái Ng.T.T.V (6 tuổi, ngụ TP HCM) còn đáng lo hơn. Từ năm cuối mẫu giáo, V. đã bắt đầu có biểu hiện lo lắng, bực dọc và chống đối khi phải đến trường. Tình trạng có vẻ nặng hơn khi bé vào học lớp 1.
Lúc khoảng 2-3 tuổi, V. rất hoạt bát và vui vẻ nhưng nay bé hay cáu bẳn, khó gần, ít nói và không thích sinh hoạt cùng người lạ, có khi còn đánh bạn. V. được chẩn đoán là rối loạn âm - lời nói và chính những khó khăn bé gặp phải đã làm thay đổi tính nết dẫn đến những trạng thái tâm lý tiêu cực.
Theo ông Hoàng Văn Quyên - cử nhân vật lý trị liệu, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1 - rối loạn âm - lời nói, hay nói theo kiểu dân gian là “nói ngọng”, có thể được can thiệp hiệu quả bằng âm ngữ trị liệu và can thiệp càng sớm càng dễ dàng. Nếu không được điều trị, trẻ nói ngọng có thể trở thành người lớn nói ngọng chứ không “tự sửa” được như nhiều phụ huynh mong đợi. Đây là một vấn đề về ngôn ngữ cần được điều trị chứ không phải lỗi ở trẻ nên việc la mắng các bé vì tật nói ngọng là sai lầm!
Cuối 5 tuổi đầu 6 tuổi: Phải chuẩn âm
Ông Hoàng Văn Quyên cho rằng phụ huynh cũng đừng quá lo lắng về những lời nói ngọng nghịu của con trẻ khi chúng mới 2-3 tuổi. Khi trẻ càng lớn lên, giọng nói sẽ càng chuẩn hơn.
Tuổi sinh lý mà trẻ buộc phải nói chuẩn âm là giai đoạn cuối tuổi thứ 5 đầu tuổi thứ 6. Vì vậy, nếu giai đoạn này mà trẻ còn ngọng thì nên có sự can thiệp. Nếu không, trẻ sẽ vào lớp 1 với rất nhiều khó khăn trong học tập. Có thể đưa trẻ đi khám và tư vấn trước độ tuổi này nếu phụ huynh nhận thấy con mình nói quá khó hiểu so với bạn bè cùng tuổi.
Bà Lê Thị Đào - cử nhân vật lý trị liệu, chuyên viên âm ngữ trị liệu Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2 - cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Một số trẻ nói ngọng do bị điếc ở mức nhẹ, vừa. Nếu điếc nặng, trẻ thường câm điếc hoàn toàn còn nếu điếc nhẹ, trẻ vẫn nói được nhưng do không nghe rõ một số âm thanh nên sẽ dễ ngọng. Ngoài ra, một số bé khác do bị sứt môi - hở hàm ếch, dính thắng lưỡi… cũng nói ngọng. Tuy nhiên, đa phần trẻ nói ngọng là do một “lỗi” nào đó trong quá trình phát âm.
“Ví dụ, một số bé ngọng không phát âm được âm “ph” mà cứ nói thành “h”. Muốn phát âm “ph” thì phải kết hợp môi - răng nhưng bé không biết làm mà chỉ kết hợp môi - môi. Khi đó, chúng tôi sẽ chơi trò “răng thỏ đâu” để bé tập kết hợp giữa “răng thỏ” hàm trên với môi dưới, từ đó có thể phát âm được những âm chúng tôi muốn hướng dẫn” - bà Đào dẫn chứng.
Cần sự hợp tác của phụ huynh
Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, để trẻ rối loạn âm - lời nói được điều trị hiệu quả, rất cần sự phối hợp của phụ huynh. Bởi lẽ, trẻ chỉ tiếp xúc với chuyên viên nhiều nhất là vài buổi mỗi tuần, trong khi phần lớn thời gian ở bên cạnh cha mẹ. Khi đưa con đi khám, cha mẹ nên “chịu khó” học những trò chơi trị liệu mà các chuyên viên hướng dẫn, cũng như điều chỉnh cách giao tiếp với trẻ.
“Có những đứa bé không muốn nói vì cứ mở miệng là bị người lớn mắng, bị bạn bè chọc ghẹo, đến khi vào BV vẫn nhất quyết không nói. Trong tình huống đó, việc phối hợp giữa phụ huynh và chuyên viên âm ngữ trị liệu trong suốt quá trình điều trị là rất quan trọng” - bà Lê Thị Đào lưu ý.
Bình luận (0)