Điều dưỡng hạng IV Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi; công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM) là một trong những người đã hy sinh trong quá trình chống dịch Covid-19. Trong tình cảm của người thân và đồng nghiệp, chị là người yêu nghề, giàu lòng nhân ái.
Một lòng theo đuổi ngành y
Là con thứ tư trong gia đình nghèo có 6 anh chị em ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, từ nhỏ chị Trần Thị Phương Hằng đã chứng kiến nhiều người thân trong gia đình và xóm giềng mắc bệnh nhưng gặp khó khăn trong điều trị, chăm sóc. Từ đó, chị thường tâm sự với bạn bè rằng sẽ một lòng đeo đuổi ước mơ được làm việc trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng
Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ Y tế tặng điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng vào năm 2020
Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) cùng đồng nghiệp trước khi dịch bệnh bùng phát (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)
Tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào ngành điều dưỡng. Năm 2003, tốt nghiệp ra trường, chị được tuyển dụng vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Những năm đầu làm việc tại TP HCM, chị thuê phòng ở trọ, quen biết rồi nên duyên với anh Nguyễn Quốc Dũng. Vợ chồng chị đã có với nhau hai con - lớn 14 tuổi, nhỏ 12 tuổi.
Sống cùng con dâu hơn 14 năm, bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, mẹ chồng chị Hằng) tự hào kể với tôi rằng bà đã may mắn khi có một người con dâu hiền thảo, vừa giỏi giang trong công việc chuyên môn ở bệnh viện vừa đảm đang chu toàn mọi chuyện trong gia đình.
Bà Hoa kể về con dâu: "Dũng là công nhân ở Công ty Thép Biên Hòa. Công việc thường xuyên phải tăng ca, thời gian dành cho gia đình rất ít. Cảm thông với chồng nên nó quán xuyến việc nhà, lo toan đầy đủ cho cha mẹ chồng và con cái. Hằng ngày, công việc không tên quấn lấy nhưng nó yêu nghề y, một lòng theo đuổi ngành y nên cố gắng cân bằng đâu ra đấy. Việc nhà, việc nước đều tận tâm, tận lực. Ở bệnh viện, nó là điều dưỡng nhiều lần được tuyên dương. Đầu năm 2020, nó còn được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" bởi đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".
Luôn sống vì người khác
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định - nơi chị Hằng làm việc - được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Nhìn những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cận kề "cửa tử" đang cần được điều trị, chăm sóc, chị quyết tâm không để mình đứng ngoài cuộc. Tạm gác lại những riêng tư của gia đình nhỏ, chị Hằng tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc cho các ca F0, đồng hành với đồng nghiệp ở bệnh viện và ngành y tế cả nước chống dịch.
Bà Hoa nước mắt lưng tròng, kể: "Nhớ mãi ngày nó xách vali để vào bệnh viện chống dịch, chăm sóc cho bệnh nhân. Tiễn con dâu đi, lòng tôi thương xót. Bởi khi dịch bệnh bùng phát, bất đắc dĩ gia đình của nó phải mỗi người một ngả. Chồng nó phải cắm chốt ở công ty để vừa chống dịch vừa sản xuất. Vợ chồng tôi đã già yếu nhưng hết lòng ủng hộ quyết định của con dâu, cố gắng là hậu phương của các con, thầm chờ dịch ổn thì vợ chồng nó sẽ về".
Nhưng dịch Covid-19 ngày càng khốc liệt. Khu phố chỗ gia đình bà Hoa sống trở thành "vùng đỏ". Vợ chồng bà cũng bị mắc Covid-19 phải đi cách ly điều trị. Con dâu, con trai đợi mãi vẫn chưa về. Vợ chồng bà Hoa phải gọi người con trai út về nhà lo cho hai đứa cháu. Chuyện vợ chồng bà mắc bệnh phải đi điều trị, bà giấu biệt để con dâu yên tâm nơi tuyến đầu. Thế nhưng, điều bà không ngờ là dịch bệnh quá căng thẳng. Trong quá trình vợ chồng bà đang cách ly điều trị thì con dâu cũng mắc Covid-19 khi chăm sóc bệnh nhân.
Sau khi phát hiện bị nhiễm bệnh, ngày 1-8, chị Trần Thị Phương Hằng được điều trị và khỏe lại với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện. Ngày 13-8, xe cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa chị về quê mẹ ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách ly theo nguyện vọng của chị. Tuy nhiên, tại đây chị đột ngột khó thở, được đưa đến cơ sở y tế của địa phương nhưng đã không qua khỏi.
Bà Châu Thị Cẩm (72 tuổi, mẹ chị Hằng) kể bà và chồng là ông Trần Văn Xia (71 tuổi) đều làm nghề nông. Nhà nghèo lại đông con nên hai vợ chồng đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Những người con lớn đều nghỉ học sớm, người nối nghiệp nhà nông theo cha mẹ, người làm công nhân trong các nhà xưởng.
"Từ nhỏ, nó chăm chỉ học hành, giỏi giang lại hiền lành. Nó tự chọn nghề, tự đi học, tự xin được việc làm nên là niềm hy vọng của cả gia đình và xóm làng" - bà Cẩm không giấu được niềm tự hào khi kể về chị Hằng.
"Xe cứu thương đưa nó về đến nhà, tôi khấp khởi đi ra mới biết con bị bệnh. Hai mẹ con chưa kịp nói với nhau điều gì thì nó lại đột ngột ra đi. Người tóc bạc tiễn người đầu xanh. Đau lắm!" - bà Cẩm kể thêm, rồi nói trong nước mắt: "Nó sợ tôi lo lắng nên giấu chuyện đi chống dịch. Khi biết mắc bệnh rồi nó cũng giấu. Từ nhỏ đến lớn nó luôn sống vì người khác".
Điểm tựa của nhiều bệnh nhân
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày vợ đi xa, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên anh Nguyễn Quốc Dũng vẫn chưa có dịp trở về với gia đình nhỏ của mình để thắp nén nhang cho vợ.
Nhớ thời khắc hay tin vợ mất, anh nghẹn ngào: "Lúc nhận được điện thoại của bệnh viện báo tin dữ, tôi thẫn thờ sụp xuống. Giữa cuộc chiến chống dịch cam go, vợ tôi đã sống hết lòng vì nghề y".
Nỗi đau mất người thân chưa nguôi ngoai nhưng anh Dũng nói gia đình đã chọn cách tiếp tục động viên nhau để cùng nhân dân cả nước chống dịch, giúp vợ hoàn thành tâm nguyện.
Những đồng nghiệp của chị Hằng ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định kể với chúng tôi rằng đó là một nữ điều dưỡng tận tâm, yêu nghề. Hơn 18 năm trong nghề, chị hết lòng vì bệnh nhân, là chỗ dựa cho nhiều người bệnh được khỏe mạnh trở về với cuộc sống. Những ngày trước khi mắc bệnh, chị đã nỗ lực vượt qua mệt mỏi và cả nỗi sợ hãi vì lây nhiễm để trở thành điểm tựa của nhiều bệnh nhân Covid-19.
Ghi nhận những cống hiến thầm lặng mà cao cả của điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truy tặng chị Huân chương Lao động hạng ba. Sở Y tế TP HCM cũng đã đề nghị Bộ Y tế và UBND TP HCM xem xét đề xuất các cơ quan liên quan ban hành chế độ chính sách và công nhận liệt sĩ để ghi nhận nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 của chị.
"Ngày xách tư trang vào bệnh viện để cùng đồng nghiệp chống dịch, chị Phương Hằng cầm tay mẹ chồng, gửi gắm: "Má ơi, cho con gửi 2 đứa nhỏ. Con đi chống dịch. Hết dịch con về".
Nhưng ngày ấy đã không bao giờ đến...
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)