Ngày 8-1, bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1 (tại Hà Nội), cho biết tại đây đang điều trị cho trường hợp nữ sinh N.T.T.H (18 tuổi, ở Hà Nội) bị trầm cảm do nghiện mạng xã hội.
Đáng nói là bố mẹ nữ sinh này đã phải cưỡng chế, dùng thuốc mê để đưa con nhập viện. Theo gia đình bệnh nhân, cực chẳng đã cha mẹ phải "đánh" thuốc mê con gái để đưa con vào BV bởi trước đó, khi bị cắt mạng internet, H. phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chửi, chống trả bố mẹ.
Bố của bệnh nhân cho biết trước khi vào lớp 12, H. là học sinh giỏi, chăm ngoan, năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải cao. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay, khi bước vào năm học cuối cấp, H. bỗng thay đổi tính nết, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, không chia sẻ với bố mẹ, lực học giảm sút.
Thấy con thay đổi bất thường, bố mẹ H. theo dõi và phát hiện con gái đêm ngày "ôm" điện thoại, không giao lưu, đi chơi với bạn bè, thậm chí nhiều bữa ăn cơm H. cũng bỏ bữa. Nhiều ngày thức đến 2-3 giờ sáng hoặc vào nhà vệ sinh tắt đèn chỉ để lướt mạng.
Cách đây hơn 2 tuần trong một lần bất chợt đi làm về giữa buổi, bố H. thấy con bỏ học ở nhà để lướt web. "Nhắc nhở nhẹ nhàng rồi khuyên bảo con gái vẫn không nghe nên hai vợ chồng dùng biện pháp mạnh là cắt mạng internet. Thế nhưng, sau đó cả hai vợ chồng quá bất ngờ khi thấy con phản ứng dữ dội, bất bình khiến vợ chồng tôi rất lo lắng. Ban đầu cháu đập phá đồ đạc trong nhà, sau chửi bới, thậm chí có hành động chống trả bố mẹ"- bố bệnh nhân H. kể.
Thấy con không thay đổi, bố mẹ H. đã mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng H. bất hợp tác vì cho rằng mình không có bệnh. Được bác sĩ tư vấn, gia đình phải cho con uống thuốc mê để đưa con gái đến BV.
Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân H. là trường hợp điển hình do nghiện mạng xã hội. Hiện các bác sĩ đang áp dụng phác đồ điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhân chưa hợp tác nên ngoài dùng thuốc cần sự hỗ trợ, động viên tâm lý rất lớn từ gia đình. Với những ca bệnh này, trong 6 tháng đầu, người bệnh ở giai đoạn cấp tính và điều trị cần ít nhất 6 tháng. Nếu để nghiện lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm.
Theo BS Phương, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, facebook, game phải nhập viện. Đặc biệt hiện nay, facebook đang có sức hút mãnh liệt đến mức nhiều người bị lệ thuộc vào mạng xã hội này. Thứ gây nghiện này vô tình dẫn người chơi tiến gần đến lối sống tự kỷ, nhất là ở giới trẻ.
Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện tại chưa có mã bệnh về nghiện facebook. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng mạng xã hội. Nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng nghiện facebook có thể dẫn tới mất ngủ, gây ra trầm cảm hay ngược lại. Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện facebook.
Giới chuyên môn khuyến cáo để phát hiện sớm và can thiệp kịp những đứa trẻ bị trầm cảm, tâm thần do "nghiện" facebook, cha mẹ cần dành thời gian cho con mình nhiều hơn.
Hiện, thế giới có 2,34 tỉ người dùng facebook, chiếm gần 23% dân số, thời gian sử dụng từ 10 phút đến 70 giờ mỗi tuần, trung bình là 7 giờ.
Bình luận (0)