Đắp lá điều trị ung thư vú có thể khiến bệnh nặng thêm - Ảnh: Hà Lê
Mới đây Bệnh viện (BV) K Trung ương đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Giang trong tình trạng khối u đã vỡ gây loét ngoài da, sần sùi như một cây súp lơ có màu đỏ. Bệnh nhân cho biết khoảng 1 năm trước đó, bà sờ thấy u ở ngực nhưng đã tự tìm lá thuốc và đắp lá tại nhà.
Tháng 7 vừa qua khi một bên "núi đôi" lở loét, đau đớn không chịu được, lúc này gia đình mới đưa bà tới BV K Trung ương.
Theo bác sĩ Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng Khoa Nội 1 thuộc BV K Trung ương, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật mà chỉ có thể tiến hành truyền hoá chất điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa. Đến nay, bệnh nhân đã được hóa trị 4 lần.
Bác sĩ Nga cho biết tình trạng bệnh nhân đắp lá, cao, đắp đủ thể loại vào khối u xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, nông thôn, mà ngay tại các thành phố. Có những bệnh nhân có học vấn cao, ở các thành phố lớn nhưng khi mắc bệnh chỉ cần nghe nói một phương pháp nào họ cũng đều muốn thử. Có những bệnh nhân không chỉ đắp lá, đắp cao (dán), phết loại cao giống hồ nước vào khối u vú mà còn bôi cả nước mắm vào khối u với hy vọng hút khối u, khiến u chết dần.
"Điều nguy hiểm nhất của đắp lá, cao... đó là người bệnh bỏ qua thời gian vàng, khi đang ở giai đoạn 1 - 2 điều trị ung thư mang lại hiệu quả rất cao thì không điều trị, đến khi thử đắp lá một thời gian dài, khối u vẫn tiếp tục phát triển, lớn lên, thậm chí di căn, nguy hiểm đến tính mạng mới đến BV"- bác sĩ Nga cảnh báo.
Theo bác sĩ Nga, tại BV K, các bác sĩ gặp khá nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngực loét, khối u to như trái bưởi, có người u vừa đỏ, căng, có người vỡ loét chảy mủ, nách to, sưng đỏ. Nhiều người cho biết họ tìm đến các phương pháp chữa trị này do người quen mách, đọc trên mạng hoặc tìm kiếm trên Facebook...
Bình luận (0)