Quảng cáo: nước rửa có khả năng siêu việt!
Dạo qua một số siêu thị và các cửa hàng, các bạn khá dễ dàng mua được các loại nước rửa rau quả được quảng cáo ngoài bao bì là có thể loại bỏ nhanh được các hóa chất độc hại trên bề mặt mà vẫn giữ được sự tươi ngon và mùi thơm vốn có của rau quả.
Các loại dung dịch này khá đa dạng về nhãn hiệu, nhà sản xuất, bao bì, giá cả (một chai nước rửa rau quả có thể tích thực là 500ml do Việt Nam sản xuất có giá khoảng 19.000đ, dung dịch nhập ngoại có giá đắt hơn, khoảng 45.000đ). Thành phần chính của các loại dung dịch này thường là nước khử ion, acid citric, sodium, hương liệu...
"Giờ ăn rau, ăn quả cứ lo lo, đi chợ thấy có các loại nước rửa rau quả là tôi mua. Chẳng biết công dụng thế nào, chỉ biết là thấy nhà sản xuất ghi trên bao bì là loại được chất độc hại trên rau quả là mua", vừa loay hoay xem nên mua loại dung dịch của ngoại hay đồ made in Việt Nam, chị Phùng Thu Hà, phố Huế, Hà Nội, vừa tâm sự "Giá thành của các loại nước rửa rau quả này kể ra thì cũng hơi đắt, nhưng nếu đắt mà đảm bảo rằng sẽ loại bỏ được hoàn toàn các chất độc hại có trên rau muống, rau cần, có trong quả cam, quả quýt, tôi cũng cố mua".
Không loại hết chất độc
Trả lời báo giới, bà Nguyễn Thị Hoa, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định: "Tôi chắc chắn rằng, các loại nước rửa rau quả này không thể khử được 100% hóa chất độc hại trong rau quả. Theo tôi, nước rửa rau quả có thể loại bỏ nhanh các vết bẩn và một số hóa chất độc hại bám trên bề mặt rau quả. Nhưng thực tế, đối với các loại rau, quả "không an toàn", thuốc bảo vệ thực vật thường ngấm sâu vào bên trong. Khi hoa quả bị hoá chất độc hại ngấm sâu, các loại nước tẩy rửa không thể nào phát huy hết được tác dụng".
TS Bùi Sỹ Doanh, phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cũng khẳng định, do tính chất hoạt động bề mặt, nên các loại nước rửa này chỉ có thể loại bỏ được các chất độc bám trên bề mặt rau quả. Đối với các loại rau quả được phun thuốc lâu ngày, thuốc ngấm sâu vào bên trong thì nước rửa hầu như vô hiệu. Đấy là chưa kể đến việc, hiện thuốc bảo vệ thực vật có tới 700 hoạt chất với trên 1.200 tên thương mại, mỗi loại có tính chất riêng, vì thế chỉ với một vài hoạt chất, rửa được rau quả này, không rửa được ở rau quả khác.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hoá học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định, không thể có bất cứ loại tẩy rửa nào đảm bảo rửa sạch rau một cách tuyệt đối. PGS.TS Quyền phân tích, nếu nước rửa rau quả sử dụng các chất như nước khử ion... có thì chỉ có tính chất sát khuẩn, diệt trùng, chứ không có khả năng tẩy rửa, còn nếu sử dụng các chất hoá học để tẩy rửa thì rất có thể (nếu sử dụng không đúng liều lượng) sẽ gây ra những tác hại xấu...
Người tiêu dùng thông thái
Các chuyên gia cho rằng, thay vì mua nước rửa rau quả vừa đắt vừa chỉ có chức năng diệt khuẩn, hoặc diệt được một vài hoá chất độc hại bám bên ngoài bề mặt rau quả, chị em nội trợ có thể sử dụng cách dùng nước sạch pha muối ở nồng độ nhẹ để rửa rau quả, cách này vừa rẻ, vừa tiện lợi và dễ dàng khi sử dụng.
Nếu hoa quả là loại vỏ dày như lê, táo quýt, chuối... nên rửa dưới vòi nước sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Đối với những loại quả nhỏ, vỏ mỏng mềm khó bóc như nho, dâu tây... nên loại những quả thối, mốc, chảy nước rồi rửa sạch bằng nước, tốt nhất, sau khi rửa bằng nước, nên lấy nước sôi pha một chút muối ngâm chừng 5-10 phút rồi mới nên ăn. Đối với rau, cách tốt nhất là rửa bằng sạch nhiều lần rồi ngâm vào nước muối pha loãng từ 10-15 phút.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp này cũng chỉ mang tính chất "đối phó" là chính. Cách tốt nhất thực sự hữu hiệu để loại trừ các loại rau nhiễm "độc" là đảm bảo mua rau sạch từ gốc như: Rau không phun thuốc sai quy định, đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun đến khi thu hoạch hợp lý...
Bình luận (0)