Tại tọa đàm "Lựa chọn Năng lượng hôm nay, Tác động Sức khỏe ngày mai" nhằm trao đổi về tác động của nhà máy điện than đối với chất lượng không khí, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, thông tin một số nguồn năng lượng thay thế cho điện than... do Đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều 25-2, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, nghiên cứu viên tại trường Đại học Y tế Công cộng, đã trình bày nghiên cứu của mình về tác động ô nhiễm không khí đối với trẻ em ở Hà Nội, liệu có liên hệ giữa ô nhiễm không khí với tình trạng trẻ em nhập viện hay không?
Bà cho biết qua nghiên cứu, hầu hết các chất trong ô nhiễm không khí đều có liên quan đến tình trạng bệnh tật của trẻ. Trong đó, một số chất liên quan trực tiếp đến những bệnh cụ thể, đến việc tăng số lượng bệnh nhân, tăng thời gian nằm viện của trẻ.
Ví dụ tỉ lệ NO2 liên quan đến bệnh viêm phổi. Nếu tỉ lệ NO2 tăng 22 Micrôgam/m3 , trẻ mắc bệnh tăng trung bình 15, 16 trẻ/ngày. Chỉ số O3 có liên quan đến số ngày nằm viện của trẻ
Bụi siêu nhỏ PM 2.5 và 2 liên quan đến và hầu như làm tăng ca nhập viện ở Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ.
Mùa hè ảnh hưởng cao hơn do trẻ em dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài vào mùa hè. Trẻ 1-5 tuổi chịu tác động mạnh hơn so với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi do hoạt động bên ngoài nhiều hơn và thời gian phơi nhiễm với không khí bên ngoài cao hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em và những người trên 65 tuổi chịu tác động lớn hơn của ô nhiễm không khí. Bụi siêu nhỏ PM 2.5 và 2 liên quan đến và hầu như làm tăng ca nhập viện ở Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ.
Cũng tại hội thảo, bà Ngụy Thi Khanh, Giám đốc Green ID, cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội đáng báo động. Trong năm 2019 chứng kiến những đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài vào các tháng 9, 10, 11, 12. Số lượng ngày trong năm 2019 ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn chất lượng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất cao. Ngay trong tuần qua, chất lượng không khí Hà Nội cũng rất kém.
Bà Khanh cho biết Green ID rất quan tâm đến phát triển năng lượng bền vững, do nếu nền năng lượng phụ thuộc năng lượng điện than sẽ rất có hại cho môi trường.
Phát thải nhà máy nhiệt điện than đóng góp tất cả các loại chất gây ô nhiễm chủ yếu như NO2, SO2, chì, thủy ngân. Trong đó, nguy hiểm nhất là bụi siêu nhỏ PM 2.5 có kích thước bằng 1/30 sợi tóc.
Đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) nói về một số nguồn năng lượng thay thế cho điện than, và vai trò của Chính phủ Mỹ trong việc trợ giúp Việt Nam đảm bảo nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Nhiệt điện than không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Một nhà máy nhiệt điện than công suất 1.200 MW trong một vòng đời 35 năm của mình có phát thải: 17.018 kg chì; 1.658 kg thủy ngân; 117.818 tấn NOx; 139.636 tấn SOx; 26.182 tấn bụi.
Bà Khanh cho biết từ 2011 đến 2018, việc tiêu thụ than ở Việt Nam tăng gấp đôi. Theo quy hoạch điện 7, đến năm 2030, có 67 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng trên toàn quốc. Tuy nhiên, một số địa phương đã đề xuất không xây dựng điện than ở địa phương như Bạc Liêu (để bảo vệ ngành nuôi tôm), Long An, Tiền Giang đề xuất chuyển sang làm điện khí. Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh được đưa ra 2016.
Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bà Khanh cho rằng rất đáng mừng, tại nghị quyết này đã nhắc đến việc ưu tiên khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hóa thạch; tiết kiệm năng lượng là quốc sách…
Bình luận (0)