Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) về vấn đề này
. Phóng viên: Theo ông, giám đốc BV Chợ Rẫy quyết định cấm bác sĩ mở phòng mạch tư có đúng với các quy định của pháp luật?
- Ông Lý Ngọc Kính: Quyết định của giám đốc BV Chợ Rẫy là một bất ngờ đối với Bộ Y tế. Nhưng điều đáng nói là bất ngờ này lại không hợp lý và trái với các quy định hiện hành. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích việc xã hội hóa y tế, huy động các nguồn lực trong dân phục vụ cho công tác y tế nhằm đa dạng hóa các loại hình. Bên cạnh đó, các phòng khám tư cũng tạo điều kiện cho cán bộ y tế cải thiện đời sống vì lương cán bộ y tế nói chung còn thấp. Ngoài ra, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân cũng không cấm bác sĩ mở phòng mạch tư, khám chữa bệnh (KCB) ngoài giờ.
. Nhưng giám đốc BV Chợ Rẫy lại lý giải rằng chỉ có cấm mở phòng mạch tư thì các bác sĩ mới hết mình cho công việc tại BV?
- BV Chợ Rẫy không chấp nhận cho bác sĩ của mình hành nghề ngoài giờ, nhưng lại yêu cầu họ làm việc ngoài giờ ngay tại BV Chợ Rẫy với các trang thiết bị của Nhà nước. Đây là tài sản công, không thể sử dụng một cách tùy tiện. Chưa kể đến việc giám đốc BV không báo cáo, chưa có một đề án nào trình Bộ Y tế xin phép cho thực hiện. Mặt khác, trước khi thực hiện lệnh cấm này cũng cần đưa ra lấy ý kiến CB-CNV để các bác sĩ tự nguyện chứ không thể ép buộc. Bởi như đã nói ở trên, việc làm ngoài giờ của bác sĩ Nhà nước không cấm.
Ngành y tế nước ta đã có bước phát triển đáng kể, có nhiều cố gắng để bảo đảm chữa bệnh cho nhân dân nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng quá tải. Do vậy, cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là những người có khả năng chi trả. Hiện nay, một số không ít người có điều kiện muốn KCB với những điều kiện rất cao, thậm chí đã có nhiều trường hợp ra nước ngoài điều trị. Chúng ta cần đáp ứng những yêu cầu ấy chứ không phải như thời bao cấp.
. Vậy có thể hiểu Bộ Y tế không chỉ chấp nhận mà còn khuyến khích bác sĩ mở phòng mạch tư và làm thêm ngoài giờ?
- BV tư là cần thiết nhưng hệ thống này còn yếu bởi thiếu cán bộ và chưa có điều kiện để đào tạo. Cán bộ BV công đã được đào tạo cơ bản làm ngoài giờ sẽ là nguồn nhân lực tốt cho các BV tư. Đến giai đoạn nào đó, BV tư có đủ năng lực hoặc có thể tự đào tạo được cán bộ, mạng lưới y tế nhìn chung đã phát triển, chắc chắn Nhà nước sẽ có chính sách rõ ràng về bác sĩ công, bác sĩ tư. Để làm được điều này cũng phải có thời gian chứ không thể làm ngay được.
. Trước quyết định gây “sốc” của BV Chợ Rẫy, Bộ Y tế đã có ý kiến gì?
- Bộ Y tế đã yêu cầu BV phải giải trình và chắc chắn phải hủy ngay quyết định này.
. Trường hợp BV Chợ Rẫy vẫn cố giữ quan điểm của mình thì sao, thưa ông?
- BV không thể không chấp nhận. Nếu muốn làm cũng phải thực hiện từ từ, từng bước và phải có đề án trình bộ một cách rõ ràng.
. Trên thế giới, có nước nào cấm bác sỹ mở phòng mạch tư không?
- Ngược lại thì có! Các bác sĩ hoàn toàn được phép và BV tư nhân rất được khuyến khích phát triển. Chẳng hạn như Singapore tới 60%- 70% tổng số BV là tư nhân, Mỹ gần 100%... Ở VN, BV tư hiện không giữ vai trò chủ đạo nhưng theo quy hoạch, đến năm 2010, có 10%- 15% tổng số giường bệnh thuộc các BV tư nhân. Hiện nay, mới chỉ có 2%! Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 50 BV tư nhân nhưng tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
. Nhưng không thể không thừa nhận có tình trạng bác sĩ BV công chỉ lo phòng mạch tư, bỏ bê công việc chính?
- Đúng là bác sĩ công làm phòng mạch tư ngoài giờ cũng có mặt tiêu cực. Có những người dốc sức, thậm chí “chạy sô”, lôi kéo bệnh nhân từ BV công về BV tư... nhưng số này không nhiều. Quan trọng nhất là cách xử lý, chẳng hạn nếu bác sĩ vi phạm về giờ giấc, làm mất uy tín của BV, chất lượng công việc thấp, không hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ bị xử lý ngay. Ngoài ra, phòng mạch phải mang tên của bác sĩ nên cũng không ảnh hưởng đến uy tín BV.
. Ông nói Nhà nước khuyến khích BV tư, vậy nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ gì khi đầu tư lĩnh vực này?
- Đầu tư cho ngành y tế hiện còn rất hạn hẹp. Vậy nên Nhà nước luôn mong muốn tư nhân đầu tư, phát triển lĩnh vực này. BV tư sẽ được nhiều hỗ trợ qua các chính sách về đất đai, miễn thuế, nguồn nhân lực... Bộ Y tế có thể sẽ chấp nhận đào tạo cán bộ cho BV tư nếu họ có nhu cầu.
. Phòng mạch tư phát triển sẽ phá thế độc quyền, giảm tiêu cực trong KCB. Theo ông, điều đó có đúng không?
- Rõ ràng, phát triển hệ thống tư nhân trong ngành y tế là chống độc quyền. VN đã có BV tư nhân phát triển hàng ngàn giường với những kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ tốt và không hề có “phong bao”, “phong bì”. Tôi nghĩ, càng độc quyền càng nảy sinh nhiều tiêu cực!
. Cảm ơn ông.
Viện sĩ - tiến sĩ Dương Quang Trung: Y tế tư nhân là cần thiết Tôi nghĩ, y tế tư nhân là cần thiết vì nó đáp ứng nhu cầu xã hội, với những lợi thế về tính tiện lợi, địa điểm gần nhà, ít thủ tục. Nhưng quản lý thế nào là một bài toán tổ chức rất khó. Hiện tại, chúng ta đang thiếu cả đào tạo nhân lực lẫn biện pháp tổ chức. Trong khâu tổ chức, cần phân định rõ những gì Nhà nước phải làm, những gì mà y tế tư nhân không làm được. Thí dụ, điều trị bệnh AIDS, lao... Bên cạnh đó, đời sống của người làm việc trong bệnh viện công phải được bảo đảm. Ở nước ngoài, giáo sư, bác sĩ làm việc ở bệnh viện công có lương bổng hậu, có nơi còn có chế độ dành 5-7 giường cho những vị giáo sư điều trị. Còn hành nghề y dược tư nhân chỉ tập trung vào khâu khám và điều trị những bệnh thông thường. Theo tôi, phải có hội đồng hành nghề (dạng như y sĩ đoàn) để giám sát, chấn chỉnh những hiện tượng nhũng nhiễu và tiêu cực trong ngành y. Đây là tổ chức tự quản, gồm những người có uy tín trong nghề, có cả luật sư để bảo đảm hội đồng có thẩm quyền và hành xử theo luật. Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân hiện nay còn chung chung nên cần có nghĩa vụ luật cụ thể. Nếu xảy ra vụ việc, hội đồng này sẽ xem xét và khi cần sẽ ra quyết định xóa tên khỏi y sĩ đoàn. Lúc này, coi như sự nghiệp của người vi phạm tiêu tan. Nhưng tất cả khen thưởng hay chế tài phải được xây dựng trên nền y đức. Bên cạnh đó, các bác sĩ đàn anh phải trở thành những tấm gương cho thế hệ sau. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 4-5-2006) |
Bình luận (0)