Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) vừa được công bố trên tạp chí Nature.
Để có được kết quả trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu hoạt động khối u của 30 bệnh nhân ung thư vú. Họ nhận ra rằng 78% các tế bào khối u tuần hoàn (CTC) phát triển trong khi bệnh nhân đang ngủ. Các tế bào rời khỏi khối u vào ban đêm cũng phân chia nhanh hơn, do đó có khả năng lây lan cao hơn so với các tế bào làm việc ban ngày.
Phát hiện này giúp lý giải tại sao tế bào khối u tuần hoàn ở chuột làm việc nhiều hơn vào ban ngày bởi chuột là loại động vật sống về đêm.
Các tế bào ung thư vú hoạt động mạnh hơn khi bệnh nhân đang ngủ. Ảnh minh họa: Krakenimages.com/ shutterstock.com
"Khi người bệnh ung thư vú đang ngủ, khối u sẽ thức giấc" - Trưởng nhóm nghiên cứu Nicola Aceto cho biết và thêm rằng - "Trước đó, giới chuyên gia ít chú ý đến hoạt động của tế bào ung thư theo thời gian ngày và đêm. Họ mặc định rằng các khối u giải phóng tế bào di căn liên tục".
Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện mới có thể góp phần cải thiện phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư trong tương lai. Giai đoạn tiếp theo, nhóm chuyên gia hy vọng có thể áp dụng nghiên cứu mới vào điều trị ung thư để tối ưu hóa các liệu pháp.
"Chúng tôi cũng muốn điều tra xem các loại ung thư khác nhau có hoạt động giống nhau hay không. Từ đó, xác định liệu pháp có thể thành công hơn nếu bệnh nhân điều trị vào những thời điểm khác nhau" - giáo sư Nicola Aceto nói thêm.
Ung thư là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người. Ung thư vú là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất - khoảng 2,3 triệu ca trên toàn thế giới hàng năm. Nếu ung thư vú được phát hiện sớm, bệnh nhân thường đáp ứng tốt với điều trị.
Tuy nhiên, việc điều trị có thể khó khăn hơn khi các tế bào ung thư di căn. Di căn là nguyên nhân của 90% tổng số ca tử vong do ung thư, theo Iflscience.
Bình luận (0)