Công trình vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Developmental Cell cho biết loại axit béo thần kỳ đó là dihomogamma-linolenic acid, gọi tắt là DGLA.
DGLA có thể gây ra ferroptosis, một quá trình chết tế bào phụ thuộc sắt, liên quan đến nhiều quá trình bệnh. Nếu như trong một số bệnh về thận hay thoái hóa thần kinh người ta nỗ lực ngăn chặn nó thì trong bệnh ung thư, nó có thể đem lại lợi ích khi được sử dụng để nhắm vào các tế bào bệnh.
Axit béo tấn công tế bào ung thư - ảnh đồ họa: Unsplash/CC0 Public Domain
Phó giáo sư Jennifer Watts từ Đại học bang Washington, một trong các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu cho biết: ""Nếu bạn có thể cung cấp DGLA chính xác cho một tế bào ung thư, nó có thể thúc đẩy ferroptosis và dẫn đến cái chết của tế bào khối u".
Phương pháp đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm động vật và thử nghiệm trên các tế bào ung thư của con người. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tiến tới thử nghiệm lâm sàng, tức trực tiếp trên bệnh nhân ung thư. Phương pháp có thể nhắm tới khối u của rất nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.
DGLA là một axit béo không bão hòa đa được tìm thấy với một lượng nhỏ trong cơ thể con người, được sinh ra khi cơ thể phân giải các dạng chất béo khác mà người đó ăn vào.
Hiện nghiên cứu đã được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cung cấp khoảng tài trợ 1,4 triệu USD để tiếp tục phân tích sâu hơn cơ chế tác động của DGLA lên cơ thể người.
Bình luận (0)