Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Michael Levin (Đại học Pennsylvania, Mỹ) cho thấy với một chiều cao trên 1,7 m, bạn nên lưu ý hơn đến nguy cơ phát triển chứng rung nhĩ – một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến. Từ mốc 1,7 m đó, cứ cao thêm 1 inch (2,54 cm), nguy cơ rung nhĩ lại tăng thêm 3%.
Ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK
Để đi đến kết quả trên, các nhà khoa học đã phân tích và đối chiếu dữ liệu di truyền của 1,2 triệu người từ 3 bộ dữ liệu khác nhau. Bộ dữ liệu đầu tiên với hồ sơ của 700.000 người đã xác định các biến thể di truyền chịu trách nhiệm về chiều cao; bộ dữ liệu thứ 2 với hồ sơ của 500.000 người xác định các chuỗi DNA liên quan đến rung tâm nhĩ; bộ dữ liệu thứ 3 xem xét mối quan hệ giữa chiều cao và sự rung tâm nhĩ, với số người tham gia là 7.000.
Theo định nghĩa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), rung nhĩ là một tình trạng gây ra nhịp tim không đều và thường là nhanh bất thường, có thể cao hơn đáng kể so với mức 100 nhịp/phút (nhịp tim bình thường là 60-100 nhịp/phút và phải đều đặn). Trong các cơn biến động nhịp tim, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và khó thở. Tuổi tác và tình trạng cao huyết áp là 2 yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn đến chứng rung nhĩ.
Các thống kê cho thấy có khoảng 33 triệu người trên khắp thế giới gặp phải chứng rung nhĩ. Một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 5 lần và cả nguy cơ suy tim.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyên rằng những người có chiều cao vượt trội nên được tầm soát kỹ càng hơn các vấn đề về tim mạch, có chiến lược để giữ trái tim khỏe mạnh, phòng ngừa đột quỵ.
Các tác giả cho biết nghiên cứu này sẽ được trình bày đầy đủ tại phiên hội thảo khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ sắp sửa diễn ra.
Bình luận (0)